Theo đánh giá của VBA, hiện hầu hết các doanh nghiệp ngành đồ uống đều có kênh phân phối riêng. Tuy nhiên, việc kết nối, liên kết giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với nhà phân phối để cung ứng sản phẩm ra thị trường còn rất hạn chế.
Các doanh nghiệp tham dự hội nghị. |
Tại hội nghị, hơn 50 doanh nghiệp sản xuất và phân phối sản phẩm đồ uống đã cùng trao đổi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm tạo chuỗi cung ứng bền vững, chặt chẽ, xây dựng hệ thống tiêu thụ logistics, đặc biệt nhấn mạnh việc mở rộng khu vực thị trường nông thôn, miền núi.
PGS. TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA nhận định, hiện nay các doanh nghiệp ngành đồ uống đang đối mặt với sự cạnh tranh đa chiều. Trước hết là sự cạnh tranh của các công ty đồ uống nước ngoài, có tiềm lực mạnh và quảng bá sản phẩm tốt. Nhưng quan trọng hơn là sự cạnh tranh không lành mạnh của các sản phẩm đồ uống kém chất lượng, gây phương hại đến sức khỏe người tiêu dùng và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.
Ông Việt cho biết, VBA sẽ kết nối các doanh nghiệp sản xuất và phân phối nhằm phát triển thị trường trong nước, thúc đẩy việc đưa sản phẩm đồ uống Việt Nam đến với người tiêu dùng Việt, thực hiện Quyết định 634/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong việc phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Còn theo đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), Bộ luôn ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sự phát triển của các doanh nghiệp trong ngành. Hiện Bộ đang trình Chính phủ Nghị định sửa đổi Nghị định 94 về sản xuất, kinh doanh rượu. Vừa rồi, Bộ cũng đã ban hành Quy hoạch ngành Bia rượu, nước giải khát đến năm 2035, giúp việc phân phối sản phẩm nội địa đến người tiêu dùng trong nước thuận lợi hơn.