Cụ thể, khối ngoại bán ròng tới 2.508 tỷ đồng trên toàn thị trường. Trên HOSE, khối ngoại bán ròng đột biến hơn 2.514 tỷ đồng. Cổ phiếu ngân hàng VIB bị khối ngoại bán ròng tới 2.750 tỷ đồng, chủ yếu qua thỏa thuận. Tiếp đến, các mã VND, VPB, HDB, TPB bị bán ròng từ 26 tỷ tới 47 tỷ đồng.
Khối ngoại mua ròng 7 tỷ đồng trên HNX và bán ròng 1 tỷ đồng trên UPCOM.
Như vậy, có thể nhận thấy rằng, nếu không chịu tác động bán ròng quá mạnh từ VIB, có lẽ khối ngoại vẫn tiếp tục mua ròng cổ phiếu.
Theo chuyên viên phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect (VNDirect), ông Vũ Mạnh Hùng, ngày 18/9/2024, Thông tư /2024/TT-BTC chính thức được ban hành, cho phép các công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đặt lệnh chứng khoán mà không cần đủ tiền.
Trước đây, nhà đầu tư tổ chức nước ngoài không được mua chứng khoán trừ khi có đủ tiền trong tài khoản trước khi lệnh mua được gửi đi.
Việc này dẫn đến hạn chế trong việc cơ cấu danh mục do khách hàng tổ chức nước ngoài phải đợi tiền từ việc bán chứng khoán được thanh toán trước khi thực hiện các giao dịch mua tiếp theo.
Theo quy định của Việt Nam, tiền từ việc bán cổ phiếu chỉ được thanh toán và có thể tái đầu tư vào sáng ngày T+2 (tiền sẽ về tài khoản của bên bán và cổ phiếu về tài khoản của bên mua 2 ngày sau giao dịch). Thị trường chứng khoán Việt Nam có khả năng thu hút thêm nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, ông Vũ Mạnh Hùng nhìn nhận.
Vị chuyên gia này đánh giá có ba tác động tiềm ẩn đến từ việc chấp thuận đặt lệnh không cần đủ tiền đối với thị trường chứng khoán Việt Nam.
Cụ thể, 3 tác động bao gồm: Thu hút nhiều nhà đầu tư tổ chức nước ngoài hơn khi các quy định của Việt Nam tiến gần hơn đến các tiêu chuẩn quốc tế; kỳ vọng gia tăng dòng vốn nước ngoài đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam; cải thiện thanh khoản thị trường.
Tuy nhiên, rủi ro hệ thống cũng sẽ tăng lên. Các công ty chứng khoán có khả năng chịu rủi ro thanh toán. Việc nhiều nhà đầu tư nước ngoài không thanh toán đúng hạn có thể buộc các công ty chứng khoán bán tháo cổ phiếu thế chấp, tạo ra áp lực bán đáng kể làm tăng biến động giá cổ phiếu và tác động tiêu cực đến sự ổn định của thị trường.
Bên cạnh đó, ông Vũ Mạnh Hùng cho rằng, việc phục vụ khách hàng tổ chức nước ngoài sẽ tăng tính cạnh tranh giữa các công ty chứng khoán.
Ngành chứng khoán sẽ được hưởng lợi khi phục vụ nhiều nhà đầu tư tổ chức nước ngoài hơn nhờ gia tăng thu nhập từ mảng môi giới khi thanh khoản gia tăng.
Bên cạnh những lợi ích, còn có rủi ro tiềm ẩn như rủi ro thanh toán do các quỹ tổ chức nước ngoài thanh toán trễ sau T+2 (tiền sẽ về tài khoản của bên bán và cổ phiếu về tài khoản của bên mua 2 ngày sau giao dịch) sau khi mua.
Do đó, các công ty chứng khoán cần tăng cường quản lý rủi ro liên quan đến khách hàng, tỷ lệ ký quỹ, điều kiện thị trường và tỷ lệ cho vay phù hợp.
“Chúng tôi đánh giá rủi ro này thấp khi xét đến uy tín của các tổ chức nước ngoài và mục tiêu lâu dài là duy trì đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, việc áp lực cạnh tranh có thể làm tăng những rủi ro này theo thời gian là không thể phủ nhận”, ông Vũ Mạnh Hùng nhìn nhận
Để thu hút các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, VNDirect tin rằng các công ty chứng khoán sẽ cạnh tranh dựa trên phí giao dịch; tỷ lệ cấp vốn trước (vốn tự có/tổng giá trị mua); tổng giá trị vốn được ứng trước và chất lượng dịch vụ (thông tin và báo cáo).
Đối với yếu tố đầu tiên, mặc dù các công ty chứng khoán có thể cung cấp vốn cho các khách hàng tổ chức nước ngoài, nhưng các khách hàng tổ chức nước ngoài vẫn sẽ chỉ bị tính phí giao dịch.
Đối với yếu tố thứ hai, khả năng cung cấp mức tỷ lệ cấp vốn trước thấp hơn sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh. Yếu tố thứ ba sẽ phụ thuộc vào vốn chủ sở hữu của công ty vì các công ty chứng khoán có cơ cấu vốn chủ sở hữu lớn hơn sẽ mang lại lợi thế rõ rệt.
VNDirect tin rằng yếu tố thứ ba sẽ làm tăng áp lực buộc các công ty chứng khoán phải tăng vốn chủ sở hữu, do quy định giới hạn tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu là không quá 5 lần.
“Tóm lại, các công ty chứng khoán quy mô lớn với phí giao dịch thấp và tỷ lệ cấp vốn trước cạnh tranh sẽ được hưởng lợi khi thu hút nhà đầu tư tổ chức nước ngoài” ông Vũ Mạnh Hùng nhìn nhận.
Trở lại diễn biến thị trường, sau phiên sáng (24/9) diễn biến “lình xình”, thị trường chứng khoán bước vào phiên chiều với “khí thế” mới. Dòng tiền chảy mạnh vào các nhóm cổ phiếu giúp chỉ số đi lên.
Theo đó, chốt phiên giao dịch 24/9, VN-Index tăng 8,51 điểm lên 1.276,99 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 817,5 triệu đơn vị, tương ứng hơn 17.917 tỷ đồng. Toàn sàn có 256 mã tăng giá, 119 mã giảm giá và 95 mã đứng giá.
HNX-Index tăng 0,94 điểm lên 234,32 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 60,8 triệu đơn vị, tưng ứng hơn 1.127,3 tỷ đồng. Toàn sàn có 89 mã tăng, 56 mã giảm và 74 mã đứng giá.
UPCOM-Index tăng 0,16 điểm lên 93,81 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 44,1 triệu đơn vị, tương ứng hơn 760,3 tỷ đồng. Toàn sàn có 161 mã tăng giá, 101 mã giảm giá và 103 mã đứng giá.
Cổ phiếu vốn hóa lớn là đầu tàu kéo chỉ số “bứt lên”. Cụ thể, rổ VN30 có tới 25 mã tăng giá, trong khi chỉ có 3 mã giảm giá và 2 mã đứng giá.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng chỉ còn PGB giảm giá. Các mã ACB, BID, BVB, CTG, EIB, LPB, MBB, MSB, NAB, OCB, SGB, SSB, SHB, STB, TCB, TPB, VCB, VIB, VPB đều ở chiều giá xanh.
Sắc xanh cũng chiếm ưu thế tại nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán. Các mã MBS, BVS, SHS, VDS, HCM... ở chiều tăng giá.