Trao đổi với phóng viên báo Tin tức chiều 13/3, TS Ngô Trí Long cho biết: Đề xuất của doanh nghiệp là phải "kích" để tăng lượng tiêu thụ xăng sinh học E5 vì đây là xu hướng chung của tiêu thụ xăng dầu trên thế giới.
"Theo tôi, chúng ta không thể quay lại bán xăng A92 như trước vì đã có cam kết quốc tế về môi trường. Lượng khí thải khi dùng xăng E5 giảm 30% so với dùng xăng A92. Trong khi thế giới hướng đến sử dụng xăng E10, E20 mà ta quay lại dùng xăng A92 là đi ngược. Hơn nữa, nó còn giúp đảm bảo an ninh năng lượng vì không phải dùng đến 100% xăng khoáng. Mặt khác, xăng E5 còn giúp phát triển các ngành nhiên liệu sinh học", ông Long nói.
Điểm bán xăng E5 RON92 tại giao lộ ngã sáu Hùng Vương, thành phố Huế. Ảnh: Quốc Việt/TTXVN |
Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP HCM (Saigon Petro) - đơn vị đưa ra đề xuất, cho biết, sau khi chấm dứt bán xăng A92, tỉ lệ bán xăng E5 chỉ đạt 30% trong khi xăng A95 chiếm đến 70%. Trong khi tỉ lệ "đẹp" phải là xăng E5 chiếm 70%, xăng A95 là 30%. Nếu không đạt được tỷ lệ đó thì không đạt mục tiêu bảo vệ môi trường.
Theo TS Ngô Trí Long, đó là những con số tại Saigon Petro, chưa phản ánh hết thị trường.
"Đến nay, Bộ Công Thương vẫn chưa công bố số liệu về tiêu thụ xăng E5 trên cả nước trong khi việc này không hề khó khăn. Thiếu những số liệu tổng hợp đó thì khó nhận định sự thành công hay thất bại của xăng E5. Hiện mới có 20/29 đầu mối xăng dầu báo cáo số liệu với Bộ Công Thương", chuyên gia nói.
Tuy nhiên, ông Long cho rằng người tiêu dùng có lý do để e dè với xăng E5. Theo đó, với một sản phẩm mới ra đời, để người tiêu dùng chấp nhận thì có 2 vấn đề: chất lượng phải đảm bảo và có lợi ích về kinh tế. Trong khi cả 2 hiện chưa đạt được.
Về chất lượng xăng E5, người dân chưa thực sự yên tâm do có một số khuyến cáo của các hãng xe về những loại động cơ không nên dùng. Thực tế hiện nay, người đi ô tô ít dùng xăng E5.
Về giá, theo Saigon Petro, chênh lệch giá giữa xăng E5 và A95 phải là 20% để khuyến khích người tiêu dùng. Saigon Petro đề nghị áp dụng thu thuế bảo vệ môi trường trên giá trị tuyệt đối cho từng loại xăng, không tính thuế xăng E5 theo tỉ lệ ethanol phối trộn như hiện nay. Cụ thể, nên tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng A95 từ 3.000 đồng lên 4.000 đồng/lít và giảm thuế bảo vệ môi trường xăng E5 xuống còn 2.500 đồng/lít nhằm tạo chênh lệch giá bán lẻ xăng E5 và A95 khoảng 2.000 - 2.500 đồng/lít.
Ông Ngô Trí Long chưa đồng tình với cách làm này. Ông Long cho rằng giá xăng E5 cao không phải vì thuế môi trường cao mà chi phí sản xuất cao. Hiện chỉ có một số doanh nghiệp sản xuất xăng E5 với giá ngang với giá nhập khẩu. Để kéo giá xăng E5 xuống thì cần cải tiến công nghệ, giảm chi phí nguyên liệu đầu vào chứ không phải chỉ giảm thuế môi trường.
Thời gian tới, để người dân yên tâm sử dụng xăng E5, tăng sản lượng tiêu thụ thì phải cùng lúc tuyên truyền về độ an toàn của xăng E5 cũng như kéo giảm giá hơn nữa.
Trước đó, Saigon Petro đã gửi kiến nghị đến Bộ Công Thương và Bộ Tài chính về việc nên cho sử dụng lại xăng A92 để không lãng phí cho xã hội trong trường hợp áp dụng các biện pháp khuyến khích nhưng sản lượng tiêu thụ xăng E5 thấp. Hiện Bộ Công Thương chưa có phản hồi về đề xuất này.