Để thay thế amiang trắng, nhiều loại vật liệu mới đã được nghiên cứu và sản xuất, cho kết quả khả quan.
Theo GS TS Lê Vân Trình, Chủ tịch Hội Khoa học kĩ thuật An toàn vệ sinh lao động Việt Nam, người đã nghiên cứu vấn đề amiang từ năm 1998, cho biết: Hiện đã có 66 nước cấm hoàn toàn sử dụng amiang, kể cả amiang trắng. Việt Nam dùng amiang từ những năm 60 của thế kỉ trước, chủ yếu là sản xuất tấm lợp chiếm hơn 90%, còn lại là má phanh, vật liệu cách nhiệt...
Để thay thế các sản phẩm chứa amiang này, đối với tấm lợp có thể sử dụng sợi PVA, tôn cách nhiệt, tôn nhựa với giá thành phải chăng. Hiện Nhà máy Z751 của quân đội đã tìm được vật liệu thay thế từ giấy vụn, xơ dừa, vỏ trấu với giá còn rẻ hơn amiang. Còn đối với vật liệu cách nhiệt, cách âm, má phanh, có thể sử dụng xi măng chịu nhiệt, bông thủy tinh, bông cách nhiệt để thay thế amiang.
"Nhà nước cần sử dụng công cụ thuế để khuyến khích, ưu đãi các doanh nghiệp sản xuất vật liệu thay thế amiang, đồng thời nâng thuế nhập khẩu amiang và các sản phẩm chứa amiang", TS Trình kiến nghị.
Còn theo TS Đỗ Quốc Quang, nguyên Phó Viện trưởng Viện Công nghệ - Bộ Công Thương: Vật liệu thay thế amiang chắc chắn có, giá cả phụ thuộc vào chất lượng.
"Có thể dùng xơ dừa hay vật dụng tự nhiên để thay thế trong khoảng 3-4 năm, nhưng sau 5 năm thì phải có nghiên cứu về tuổi thọ. Các vật dụng thay thế hiện nay phần lớn đắt hơn vì đó là vật liệu mới được đưa vào. Tuy nhiên giá trị sử dụng lại cao như tấm lợp bằng kim loại có lớp chống nóng. Ta nên nhìn vào tuổi thọ hay đời sống của vật liệu nhiều hơn là giá thành", TS Quang nói.
Cũng theo ông Quang, việc vận động người dân vùng khó khăn thay đổi vật liệu phi amiang liên quan rất nhiều đến chính sách. Nếu chính sách nhà nước vẫn tiếp tục cho sử dụng amiang thì vận động không dễ. Còn nếu dừng sản xuất thì việc chuyển đổi không khó. Trong thực tế đã có nhiều quy định của nhà nước được đưa vào thực tế rất nhanh dù ban đầu còn nhiều ý kiến phản đối như cấm đốt pháo, bắt buộc đội mũ bảo hiểm...
"Cách đây 20 - 30 năm, ta còn chưa tìm ra vật liệu thay thế amiang nhưng hiện nay, có rất nhiều lựa chọn để thay thế, vấn đề là có quyết tâm làm hay không", chuyên gia cho hay.
Về băn khoăn liệu sản lượng các nhà máy sản xuất hiện nay có đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi vật liệu, ông Quang cho rằng không đáp ứng được ngay lập tức nhưng chỉ trong vài tháng thay đổi dây chuyền sản xuất là có thể đáp ứng được. Khi có lộ trình cụ thể về dừng sử dụng amiang thì doanh nghiệp cũng dễ chuyển đổi.
TS, bác sĩ Trần Tuấn, đại diện Mạng lưới vận động dừng sử dụng amiang Việt Nam (VNBAN) cho biết: "Có những nhóm lợi ích chịu ảnh hưởng của việc dừng sản xuất, sử dụng amiang nên đã cố tình trì hoãn tiến trình này. Chúng tôi không khuyến nghị người dân chuyển sang dùng một loại vật liệu cụ thể nào mà để người dân tự quyết định trên cơ sở thông tin phải đúng".
Ngày 30/11/2017, Bộ Xây dựng đã có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc dừng sử dụng amiang trắng trong sản xuất tấm lợp. Ngày 1/1/2018, Thủ tướng ký Nghị quyết số 1/NQ-CP, trong đó giao nhiệm vụ cho Bộ Xây dựng "Xây dựng lộ trình dừng sử dụng amiang trắng để chấm dứt sử dụng tấm lợp amiang từ năm 2023".
Ông Hoàng Xuân Lương, nguyên Thứ trưởng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quyền con người vùng dân tộc, miền núi đề nghị các cơ quan liên quan phải quyết tâm thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, nhằm loại bỏ hoàn toàn amiang khỏi đời sống.
Từ năm 1998, amiang nâu và amiang xanh đã bị cấm sử dụng tại Việt Nam, amiang trắng được cho phép sử dụng với các yêu cầu nghiêm ngặt. Nhiều nhà khoa học trong nước và thế giới đã chứng minh amiang bao gồm amiang trắng là chất gây ung thư, trong đó có nhiều loại ung thư hiếm gặp.
Tại Việt Nam, 95% tấm lợp amiang được sử dụng tại vùng đồng bào dân tộc, miền núi. Amiang còn được sử dụng trong nhiều sản phẩm công nghiệp.