Ngoài ra, Tổng cục Hải quan (TCHQ) sẽ nghiên cứu, trình Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ về việc hạn chế nhập khẩu mặt hàng phế liệu, tiến tới là cấm nhập khẩu phế liệu.
Bãi tập kết container tại Cảng Đình Vũ, Hải Phòng. Ảnh minh họa: Lâm Khánh/TTXVN. |
Tuy nhiên, khó khăn, vướng mắc mà hải quan đang gặp hiện nay là chưa có quy định về chế tài xử phạt đối với chủ, người điều khiển phương tiện không vận chuyển hàng hóa gây ô nhiễm ra khỏi Việt Nam.
Cụ thể: Tại điểm b khoản 6 Điều 58 Luật Hải quan năm 2014 quy định: “Đối với hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, chủ phương tiện vận tải, người điều khiển phương tiện vận tải hoặc người được chủ phương tiện vận tải ủy quyền có trách nhiệm vận chuyển hàng hóa đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.”
Tại điểm c khoản 2 Điều 14 của Thông tư 203/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định: “Riêng đối với hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, chủ hàng, chủ phương tiện vận tải, người điều khiển phương tiện vận tải hoặc người được chủ phương tiện vận tải ủy quyền có trách nhiệm vận chuyển hàng hóa đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam”.
Vi vậy, theo TCHQ, mặc dù đã có quy định trách nhiệm chủ phương tiện vận tải, người điều khiển phương tiện vận tải hoặc người được chủ phương tiện vận tải ủy quyền phải thực hiện vận chuyển hàng hóa tồn đọng gây ô nhiễm môi trường ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, nhưng chưa có quy định về chế tài xử phạt khi không thực hiện trách nhiệm nêu trên.
Số liệu thống kê hàng hóa tồn đọng là phế liệu tại một số các cảng biển lớn của Việt Nam gần đây như sau: Tại cảng Hải Phòng, tính đến ngày 5/6: Tổng số container tồn trên 90 ngày kể từ ngày đến cảng là 737 (cont); tổng số container tồn dưới 90 ngày là 507 (cont).
Tính đến ngày 23/6 tại cảng Cát Lái, tổng số container tồn trên 90 ngày kể từ ngày đến cảng là 2.0 (cont); tổng số container tồn dưới 90 ngày là 1.563 (cont). Tại cảng Cái Mép (ICIT, TCCT), tổng số container tồn trên 90 ngày kể từ ngày đến cảng là 0 (cont); tổng số container tồn dưới 90 ngày là 772 (cont). Còn tại cảng Hiệp Phước, tổng số container tồn trên 90 ngày kể từ ngày đến cảng là 0 (cont); tổng số container tồn dưới 90 ngày là 8 (cont).
Trước tình hình này, TCHQ đã chủ động rà soát, kiểm tra, ngăn chặn phế liệu không đáp ứng quy định. Cơ quan hải quan thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa nói chung và phế liệu nói riêng trên cơ sở quy định chính sách quản lý của cơ quan quản lý chuyên ngành, cụ thể đối với phế liệu là Bộ Tài nguyên và Môi trường. Phế liệu nhập khẩu chỉ được phép thông quan khi đáp ứng đầy đủ các quy định về pháp luật hải quan và pháp luật bảo vệ môi trường.
Ngay sau khi nhận được thông tin về việc Trung Quốc cấm nhập khẩu 24 loại phế liệu và thấy phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam có chiều hướng tăng mạnh, TCHQ đã ban hành và chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh, thành phố triển khai kế hoạch ngăn chặn phế liệu, phế thải không đáp ứng quy định về bảo vệ môi trường vào Việt Nam.
Trong đó: Rà soát, đánh giá, phân loại các doanh nghiệp, lô hàng phế liệu có dấu hiệu vi phạm, dấu hiệu rủi ro trên địa bàn toàn quốc để tiến hành các biện pháp kiểm tra, điều tra, xác minh và xử lý kịp thời. Đồng thời, đối với phế liệu là hàng hóa có nguy cơ rủi ro cao gây ô nhiễm môi trường, 100% các lô hàng đều phải kiểm tra thực tế hàng hóa tại cửa khẩu, không cho phép đưa vào trong nội địa để kiểm tra. Trường hợp phát hiện không đáp ứng các điều kiện quy định về bảo vệ môi trường thì phải tái xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Phía hải quan cũng đã xây dựng cơ chế cung cấp, trao đổi thông tin với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên môi trường các tỉnh, thành phố để thu thập thông tin về giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu, tình trạng hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu; chủ động, kịp thời đề ra các biện pháp ngăn chặn, phát hiện việc doanh nghiệp làm giả giấy phép, hoặc nhập khẩu rác thải, phế liệu không đủ điều kiện gây ô nhiễm môi trường.
Đối với các trường hợp có dấu hiệu vi phạm, TCHQ đã chỉ đạo điều tra, xác minh hoạt động nhập khẩu phế liệu của một số Công ty và qua kết quả điều tra đã phát hiện phương thức, thủ đoạn của doanh nghiệp như sử dụng giấy phép, văn bản thông báo về lô hàng phế liệu nhập khẩu để kiểm tra, thông quan giả và hiện cơ quan hải quan đang hoàn tất hồ sơ để khởi tố theo quy định.
Để khẩn trương xử lý hàng hóa là phế liệu tồn đọng tại cảng biển, tránh nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và ùn ứ tại cảng biển, TCHQ đang yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện đối với hàng hóa tồn từ 30 - 90 ngày kể từ ngày đến cửa khẩu chưa làm thủ tục hải quan, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố đề nghị doanh nghiệp kinh doanh cảng có thông báo cho doanh nghiệp nhập khẩu đứng tên trên vận đơn sớm làm thủ tục nhập khẩu hoặc tái xuất lô hàng (nếu không đủ điều kiện nhập khẩu).
Đối với hàng hóa nhập khẩu là phế liệu tồn trên 90 ngày kể từ ngày đến cửa khẩu chưa làm thủ tục hải quan, theo TCHQ: Căn cứ quy định điểm b khoản 6 Điều 58 Luật Hải quan năm 2014 và điểm c khoản 2 Điều 14 của Thông tư 203/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố có văn bản thông báo và yêu cầu chủ phương tiện vận tải, người điều khiển phương tiện vận tải hoặc người được chủ phương tiện vận tải ủy quyền có trách nhiệm vận chuyển hàng hóa đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật.
Cục Hải quan các tỉnh, thành phố yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh cảng có trách nhiệm bố trí khu vực riêng lưu giữ hàng hóa là phế liệu tồn tại cảng, có biện pháp đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường và doanh nghiệp kinh doanh cảng phối hợp với hãng tàu thực hiện vận chuyển hàng hóa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật.