Phiên này, giá dầu Brent kỳ hạn giao tháng 5/2023 giảm 73 xu Mỹ (tương đương 1%) xuống giao dịch ở mức 73,06 USD/thùng lúc 14 giờ 36 phút (giờ Việt Nam). Giá hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 4 sắp hết hạn giảm 56 xu Mỹ (0,8%) xuống 67,08 USD/thùng, còn hợp đồng giao tháng 5 giảm 67 xu Mỹ (1%) xuống 67,15 USD/thùng.
Trong phiên trước, cả dầu Brent và dầu WTI đều giảm khoảng 3 USD/thùng trước khi tăng cao hơn. Diễn biến đó xảy ra sau khi UBS đồng ý mua lại Credit Suisse, còn các ngân hàng trung ương lớn cam kết tăng cường thanh khoản thị trường và hỗ trợ hệ thống ngân hàng.
Các nhà phân tích từ công ty môi giới đầu tư Haitong Futures nhận định giá dầu hiện nay chủ yếu phụ thuộc vào những ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư ở cấp độ vĩ mô. Nếu cuộc khủng hoảng ngân hàng không lan rộng hơn nữa, tâm lý thị trường có thể ổn định và giá dầu sẽ có cơ hội phục hồi.
Yếu tố chính chi phối thị trường sẽ là quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về việc có tăng lãi suất hay không và tăng bao nhiêu sau khi kết thúc cuộc họp kéo dài hai ngày vào ngày 22/3.
Kể từ khi những biến động trong ngành ngân hàng bắt đầu vào tháng này, ước tính của thị trường về quy mô tăng lãi suất tiềm năng của Fed đã giảm từ 50 điểm cơ bản xuống 25 điểm cơ bản.
Một yếu tố gây ảnh hưởng khác là việc các quan chức của Nhóm bảy quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) cho biết họ không có nhu cầu tiếp tục kế hoạch sửa đổi mức trần giá 60 USD/thùng đối với dầu của Nga.
Bên cạnh đó, thị trường cũng chú ý tới việc Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối bao gồm Nga (nhóm OPEC+) dự kiến tổ chức cuộc họp vào ngày 3/4. Hồi tháng 10/2022, nhóm này đã đồng ý cắt giảm mục tiêu sản xuất dầu hàng ngày 2 triệu thùng cho đến cuối năm 2023.