Kiểm soát chặt việc 'làm giá' thịt lợn dịp Tết

Tết Nguyên đán đang đến gần, người dân lo ngại giá một số mặt hàng thiết yếu có nguy cơ “leo thang”, đặc biệt là khi nguồn cung của mặt hàng chủ lực là thịt lợn đang thiếu hụt. Phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với với ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) xung quanh vấn đề này.

Chú thích ảnh
Giá thịt lợn tăng khiến người tiêu dùng gặp khó khăn trong cân bằng chi tiêu. Ảnh: Võ Dung/TTXVN.

Thưa ông, chỉ đạo mới nhất của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đề nghị các bộ, ngành, địa phương thông tin đầy đủ, kịp thời về nguồn cung và giá các mặt hàng thực phẩm, nhất là giá thịt lợn, để người sản xuất và người tiêu dùng biết, tránh hiện tượng “găm hàng”, thổi giá lên cao bất thường. Quan điểm của Bộ Tài chính về vấn đề này như thế nào? 

Do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, nên nguồn cung thịt lợn trong nước đang giảm, việc tái đàn chưa đạt hiệu quả, nên giá thịt lợn trên thị trường đang có nhiều biến động.

Qua theo dõi của Cục Quản lý giá, giá thịt lợn năm nay có nhiều thay đổi kể từ tháng 9/2019. Nếu như từ tháng 3, giá lợn hơi tại thị trường miền Bắc vào khoảng 37.000 - 44.000 đồng/kg, thì đến tháng 9, giá đã lên mức từ 47.000 - 50.000 đồng/kg. Sang tháng 11, giá lợn hơi là 60.000 - 78.000 đồng/kg. Đến tháng 12, giá thịt lợn tăng từng ngày. Đơn cử ngày 27/12, giá lợn hơi giảm nhẹ 1.000 - 2.000 đồng/kg tại các tỉnh phía Bắc. Giá lợn hơi tại Hưng Yên giảm nhẹ 1.000 đồng/kg xuống 94.000 đồng/kg; Hà Nam xuống 92.000 - 93.000 đồng; tại Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Bình, Tuyên Quang, Sơn La, giá phổ biến 93.000 đồng/kg; tại tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Nam Định, Ninh Bình được thu mua trong khoảng 90.000 - 92.000 đồng/kg. 

Mặc dù giá thịt lợn tại miền Bắc vẫn ở mức cao nhất cả nước, dao động 90.000 - 95.000 đồng/kg, nhưng đà tăng đã bắt đầu điều chỉnh giảm. Giá lợn hơi cao, nên giá bán lẻ thịt lợn đã vượt thịt bò là điều tất yếu. 

Nhu cầu tiêu thụ thịt lợn tăng cao trong dịp Tết, nguồn cung lại khan hiếm, không ít ý kiến cho rằng có tình trạng đội giá hoặc trà trộn thịt lợn kém chất lượng để bán cho người dân, ông có lo lắng vấn đề này?

Trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung, chắc chắn sẽ có nhiều "mánh khóe" kinh doanh xuất hiện như đưa thịt không an toàn, gian lận, nguồn gốc hàng hóa... Cục Quản lý giá đã kiến nghị lực lượng thị trường phối hợp với công an, các lực lượng chức năng tại các địa phương quản lý chặt nguồn cung ra thị trường, để người dân không phải tiêu dùng thịt kém chất lượng; xử lý nghiêm nếu phát hiện những trường hợp vi phạm.

Cục khuyến cáo, người dân cũng nên sử dụng thực phẩm thay thế thịt lợn trong bối cảnh có sự "làm giá" và thiếu hụt nguồn cung cục bộ. Việc thay thế bằng các thực phẩm khác như gà, bò, cá, hải sản... không chỉ giúp giảm áp lực thị trường, mà còn tránh sự rủi ro về giá và chất lượng cho người tiêu dùng. 

Không chỉ thịt lợn, việc quản lý nhiều mặt hàng khác dịp cuối năm cũng đối mặt với nhiều áp lực. Ý kiến của ông về vấn đề này ra sao? 

Càng gần Tết, nhiều mặt hàng càng chịu áp lực tăng giá. Ví dụ, xăng dầu khó lường do phụ thuộc hoàn toàn vào thế giới, nên phải theo dõi sát diễn biến để có biện pháp bình ổn giá, tạo ra mặt bằng thị trường ổn định, không để người dân chịu tác động nhiều từ giá xăng dầu, cước vận tải. Các mặt hàng thực phẩm, may mặc, hàng tiêu dùng, dịch vụ ăn uống… cũng tăng theo quy luật.

Tất nhiên, bên cạnh những áp lực, cũng có nhiều thuận lợi. Vì hiện nay, các bộ, ngành theo dõi sát sao, tích cực về giá cả để điều tiết. Cùng với đó, tăng trưởng kinh tế tốt, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu tăng cao theo năng lực sản xuất, đặc biệt là việc ký kết các hiệp định thương mại của Chính phủ đã giúp người dân có thêm cơ hội mua các sản phẩm giá rẻ. Bên cạnh đó, nguồn cung gạo tương đối dồi dào, hay chính sách tiền tệ điều hành ổn định, nhiều biện pháp vĩ mô kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đã đề ra...  

Tại Chỉ thị 03/CT-BTC, Bộ trưởng Tài chính yêu cầu Cục Quản lý giá chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ có liên quan theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả; nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu, để có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp trong thời điểm nhu cầu tiêu dùng tăng cao dịp Tết; đồng thời, tham mưu kịp thời cho Bộ các biện pháp quản lý, điều hành giá phù hợp với mặt bằng giá cả thị trường và kiểm soát lạm phát. 

Riêng với thịt lợn, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, Ban chỉ đạo điều hành giá và có những kiến nghị gửi các ngành như: Nông nghiệp, Công thương để có đánh giá lượng cung cầu trong dài hạn, ngắn hạn; kiến nghị Bộ Công thương, NN-PTNT chỉ đạo các các quan chức năng có số liệu tính toán cụ thể để cân đối lượng thịt lợn nhập về, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Bộ Tài chính và các địa phương cũng sẽ đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát tình trạng đầu cơ khan hàng, lợi dụng khan hiếm để tăng giá, đẩy giá; kiểm soát biên giới để tranh xuất lậu, qua biên giới; tuyên truyền để người dân nắm được tình hình dịch bệnh, tránh gây hoang mang dư luận xã hội. 

Xin cảm ơn ông!

Minh Phương/Báo Tin tức
Cần Thơ không để thịt lợn tăng giá đột biến trong dịp Tết Nguyên đán
Cần Thơ không để thịt lợn tăng giá đột biến trong dịp Tết Nguyên đán

Theo ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ, căn cứ vào nguồn lợn hiện có trên địa bàn, thành phố Cần Thơ đáp ứng cơ bản từ 80-90% nhu cầu về thịt lợn cho người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán và cố gắng không để giá lợn tăng giá đột biến trong dịp Tết như lo ngại của người dân. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN