Số liệu thống kê cho thấy, lượng kiều hối đổ về trong nửa đầu năm 2021 tại TP Hồ Chí Minh đạt 3,2 tỉ USD, tăng 22,34% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, các chuyên gia dự báo cả năm 2021, lượng kiều hối về TP Hồ Chí Minh sẽ đạt khoảng 6,5 tỉ USD, sau khi tăng 15% lên mức kỷ lục 6,1 tỉ USD vào năm ngoái. Như vậy, đến thời điểm này, lượng kiều hối đổ về TP Hồ Chí Minh đã đạt khoảng 50% kế hoạch.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho rằng, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng việc kiều hối chuyển về Việt Nam, trong đó TP Hồ Chí Minh luôn dẫn đầu cả nước về kiều hối vẫn tăng khá mạnh là điểm sáng tương đối tích cực.
Theo ông Trần Minh Khoa, Tổng giám đốc Công ty Kiều hối Sacombank (công ty con của Sacombank), tình hình dịch bệnh khó khăn nhưng kiều hối về vẫn khả quan là do tình hình vaccine tại các nước phát triển có diễn biến tốt, do đó nhiều người Việt Nam ở nước ngoài có thể đi làm và kinh doanh trở lại để tăng thu nhập. Trong khi đó, họ không thể về Việt Nam hằng năm theo kế hoạch nên chuyển tiền về thay vì mang tiền mặt về như mọi năm. Chính vì vậy, trong nửa đầu năm, doanh số kiều hối tăng trưởng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường châu Á, châu Mỹ vẫn chiếm tỉ trọng lớn nhất trong tổng lượng kiều hối chảy về Việt Nam qua ngân hàng này.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), lượng kiều hối đổ về TP Hồ Chí Minh lâu nay chủ yếu tới từ Mỹ, Australia, Canada và một số quốc gia phát triển khác... Nhìn chung, những quốc gia này đã cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19 nhờ tỷ lệ tiêm chủng vaccine cao, sản xuất kinh doanh phục hồi, đời sống của người dân dần ổn định. Chẳng hạn như Canada có tỷ lệ dân số tiêm chủng vượt Mỹ khi có hơn 50% dân số quốc gia này từ 12 tuổi trở lên đã được tiêm đầy đủ. Còn ở Mỹ, con số này theo báo cáo của CDC là khoảng hơn 48%. IMF mới đây cũng nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm nay có thể lên tới 7%. Khi tăng trưởng kinh tế được hồi phục thì thu nhập của người dân, trong đó có đối tượng kiều bào Việt Nam, cũng có xu hướng tăng lên.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia tài chính cũng cho rằng, một trong những yếu tố để không ít kiều bào tích cực gửi tiền về Việt Nam là do Việt Nam vừa ký kết và đang triển khai thực hiện nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA hay UKVFTA… Vì thế, phần lớn dòng tiền kiều hối về Việt Nam chủ yếu là đầu tư kinh doanh, sản xuất. Ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết, điều này đã góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế của thành phố nói riêng và cả nước nói chung có nguồn cung ổn định ngoại tệ, đồng thời giúp duy trì được đà kinh tế tăng trưởng tích cực và ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp.
Để giúp kiều hối có thể "chảy" về Việt Nam thuận lợi hơn trong thời gian tới, nhất là trong thời điểm dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều ngân hàng đã không ngừng triển khai mạnh mẽ các chương trình khuyến mãi để thu hút khách hàng là kiều bào chuyển tiền về. Mới đây, một số ngân hàng đã kết hợp với Visa tại Việt Nam hỗ trợ chủ thẻ ghi nợ Visa nhận kiều hối một cách dễ dàng hơn thông qua dịch vụ chuyển tiền MoneyGram và Remitly. Với giải pháp Visa Direct, chủ thẻ sẽ nhận được tiền vào tài khoản gần như ngay lập tức.
Ông Nguyễn Tâm Khoa, Giám đốc Trung tâm thẻ của Ngân hàng ACB chia sẻ: “Trên nền tảng Visa Direct, chủ thẻ Visa từ nước ngoài chuyển thẳng tiền vào thẻ ghi nợ ACB Visa tại Việt Nam sẽ mang đến sự chủ động hơn cho mọi người. Không chỉ thế, người nhận kiều hối cũng sẽ cảm thấy thoải mái, đơn giản, tiện lợi và an toàn hơn bao giờ hết khi không cần bất cứ chứng từ hay thủ tục nào vì tiền đã tự động ghi có vào chiếc thẻ ACB Visa Debit khách hàng đang sở hữu”.
“Kiều hối đóng góp nguồn ngoại tệ đáng kể cho nền kinh tế và chúng tôi luôn mong muốn giao dịch này đơn giản, đa dạng và thuận lợi nhất có thể. Trong tương lai, chúng tôi sẽ tích hợp việc chuyển tiền quốc tế lên nền tảng ngân hàng số để khách hàng thuận tiện trong giao dịch mọi lúc mọi nơi”, ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng giám đốc Sacombank cho biết thêm.
Cũng theo Sacombank, 50.000 chủ thẻ Sacombank Visa Debit đầu tiên nhận tiền kiều hối trong thời gian từ ngày 1/7 đến hết ngày 30/9 qua dịch vụ MoneyGram hoặc Remitly sẽ được tặng 5 USD.
Agribank cũng đã triển khai chương trình khuyến mại thường niên "Kiều hối Agribank - Tích điểm nhận quà". Theo đó, trong 6 tháng cuối năm, mỗi giao dịch chuyển hoặc nhận tiền kiều hối qua hệ thống WU tại ngân hàng sẽ được hệ thống tự động tích điểm để nhận quà.
VietinBank cũng nhanh chóng đẩy mạnh tự động hóa giao dịch kiều hối như giao dịch online, nhận tiền online qua tài khoản và Internet kết hợp triển khai các chương trình ưu đãi về giá phí, tặng quà cho khách hàng mới sử dụng dịch vụ, hướng dẫn và hỗ trợ khách hàng qua các kênh mạng xã hội… nhờ đó lượng kiều hối chuyển về qua ngân hàng vẫn đang được duy trì.
Với sự tích cực thu hút kiều hối của các ngân hàng, nhiều tổ chức quốc tế cũng như các nhà đầu tư trên thế giới đã đưa ra dự báo tăng trưởng khá lạc quan. Cụ thể, WB đánh giá mức tăng trưởng GDP Việt Nam là 6,6%, trong khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán là 6,5%. Ngân hàng UOB cũng đưa ra con số tích cực lên đến 6,7%, cao hơn so với mục tiêu của Chính phủ Việt Nam đề ra là 6-6,5%.