Cụ thể, trong tuần kết thúc vào ngày 10/4, số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu của Mỹ đã giảm 193.000 người so với tuần trước xuống còn 576.000 người, có sự điều chỉnh yếu tố mùa vụ. Đây là số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu thấp nhất kể từ tuần lễ kết thúc vào ngày 14/3/2020 - thời điểm trước khi dịch COVID-19 bùng phát tại Mỹ khiến hoạt động kinh doanh bị gián đoạn và hàng triệu người mất việc. Tuy nhiên, cũng trong tuần trước đã có thêm 131.975 người, chưa điều chỉnh yếu tố mùa vụ, nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp theo chương trình dành cho lao động tự do và những người không đủ điều kiện hưởng hỗ trợ thông thường, nâng tổng số đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới lên hơn 700.000 đơn.
Với tuần kết thúc vào ngày 27/3, đã có gần 17 triệu người đang được hưởng trợ cấp thất nghiệp theo tất cả các chương trình của chính phủ. Báo cáo mới nhất của Bộ Lao động Mỹ cũng cho thấy tỷ lệ người thất nghiệp được bảo hiểm, chỉ những người thực sự đang hưởng các trợ cấp thường xuyên của chính phủ, tăng nhẹ 2,7% lên hơn 3,7 triệu người.
Mùa Xuân năm ngoái, đại dịch COVID-19 bùng phát đã khiến nền kinh tế Mỹ đình trệ, ảnh hưởng mạnh tới lực lượng lao động. Số đơn xin thất nghiệp lần đầu của Mỹ đã tăng 3 triệu người, lên mức kỷ lục 3,3 triệu đơn trong tuần kết thúc vào ngày 21/3/2020 và sau đó tăng gấp đôi để đạt mức kỷ lục 6,87 triệu đơn trong tuần kết thúc vào ngày 28/3/2020.
Cùng ngày, Bộ Thương mại Mỹ công bố số liệu cho thấy doanh số bán lẻ tại nước này trong tháng 3 đã tăng vọt 9,8% so với tháng trước đó khi mà người dân chi tiêu nhiều hơn cho các nhà hàng và các đồ dùng thể thao, đồ làm vườn và ô tô. Theo báo cáo của bộ trên, trong tháng 3 vừa qua, doanh số bán hàng cao hơn 27,7% so với cùng kỳ năm ngoái khi dịch COVID-19 khiến các cơ sở kinh doanh phải đóng cửa.
Trong tháng 3, doanh số bán hàng tại các trạm xăng tăng 10,9% so với tháng trước với việc nhiều biện pháp hạn chế chống dịch được dỡ bỏ ở một số khu vực trên cả nước và người dân có xu hướng chi tiêu nhiều hơn cho các hoạt động giải trí. Doanh số bán ô tô trong tháng 3 vẫn mạnh, tăng 15,5% so với tháng 2 và cao hơn gần 30% so với một năm trước. Doanh số bán đồ thể thao và các đồ dùng phục vụ sở thích dẫn đầu với mức tăng 23,5%, cao hơn 36% so với một năm trước đó. Trong khi đó, doanh số bán hàng tại các nhà hàng và quán bar cũng tăng 13,4%, song vẫn thấp hơn 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Chuyên gia kinh tế Rubeela Farooqi đánh giá kết quả trên tốt hơn dự kiến, qua đó phát tín hiệu mạnh mẽ về triển vọng tăng trưởng của quý đầu tiên của năm.
Những số liệu tích cực trên là yếu tố mang lại "sắc xanh" trên sàn chứng khoán phố Wall với các chỉ số chủ lực tăng mạnh. Khoảng 15 phút sau khi mở phiên, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,6% lên mức 33.948,18 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,7% lên 4.151,73 điểm, trong khi chỉ số Nasdaq Composite tăng 1,1% lên mức 14.006,10 điểm.