Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc (LHQ), báo cáo của UNCTAD nêu rõ dịch COVID-19 sẽ đẩy một số quốc gia rơi vào suy thoái, đồng thời làm chậm đáng kể tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tính đến nay, trên toàn thế giới đã có hơn 110.000 người nhiễm bệnh và hơn 4.000 ca tử vong do virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Dự báo việc bùng phát dịch bệnh này có thể khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu thấp dưới mức 2,5% và đây thường được cho là ngưỡng suy thoái đối với nền kinh tế thế giới.
Giá dầu lao dốc, việc mất đi niềm tin của người tiêu dùng và giới đầu tư, cùng nhu cầu giảm chậm trên toàn cầu, cũng như nợ công tăng dần và tâm lý lo ngại lan rộng trên khắp các thị trường chỉ là một số trong rất nhiều yếu tố phủ bóng đen lên nền kinh tế toàn cầu.
UNCTAD cảnh báo thế giới đang đứng trước nguy cơ rơi vào tình trạng "không trả nợ được" trên diện rộng và không loại trừ khả năng việc các tài sản trượt giá đột ngột sẽ "đặt dấu chấm hết đối với giai đoạn tăng trưởng của chu kỳ này".
Phát biểu tại buổi công bố báo cáo nói trên ở Geneva (Thụy Sĩ) trong bối cảnh các thị trường tài chính thế giới "lao đao" do những quan ngại về việc gián đoạn chuỗi cung ứng từ Trung Quốc và sự bất ổn của giá dầu, ông Richard Kozul-Wright, Giám đốc Bộ phận chiến lược phát triển và toàn cầu hóa của UNCTAD nêu rõ Bộ phận này ước tính nền kinh tế toàn cầu sẽ giảm tốc dưới 2% trong năm 2020. Nếu xảy ra kịch bản xấu nhất với việc nền kinh tế thế giới chỉ tăng trưởng khoảng 0,5% thì GDP toàn cầu có thể mất tới 2.000 tỷ USD.
Theo ông Kozul-Wright, rất khó để có thể dự doán phản ứng của các thị trường tài chính quốc tế trước các tác động của dịch COVID-19 và hiện tại mức độ lo ngại về vấn đề y tế là rất nghiêm trọng. Ông nhấn mạnh để làm giảm những lo ngại này, chính phủ các nước cần phải đầu tư ngăn chặn tình trạng hỗn loạn, bởi hỗn loạn thậm chí còn gây thiệt hại hơn so với dịch COVID-19 có thể kéo dài đến hết năm nay.