“Dự thảo nghị định có nhiều điểm quan trọng được kỳ vọng sẽ tạo được “đòn bẩy” trong việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC). Dự thảo nghị định Cơ chế một cửa quốc gia sẽ giải quyết được tình trạng 2, 3 bộ, ngành cùng quản lý kiểm tra chuyên ngành (KTCN) đối với 1 mặt hàng, điều đã khiến cho DN mất thời gian, chi phí khi thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu (XNK), thông quan hàng hóa, ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan-Tổng cục Hải quan nói.
Trong ảnh: Giám sát hoạt động của phương tiện tàu biển và hàng hóa vận chuyển bằng container qua hệ thống camera giám sát tại Chi cục Hải quan cảng Cái Lân (tỉnh Quảng Ninh). Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN. |
Theo ông Bình, việc triển khai hiệu quả Cơ chế một cửa quốc gia là một chủ trương lớn được Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành triển khai từ cuối năm 2014 đến nay. Tuy nhiên đến nay, kết quả đạt được chưa như kỳ vọng. Thủ tục KTCN đối với hàng hóa XNK chậm được cải cách, đơn giản hóa.
Sau 4 năm thực hiện, đến nay các bộ, ngành mới kết nối được 47/245 TTHC theo chỉ đạo của Chính phủ phải đưa lên Cổng thông tin Cơ chế một cửa quốc gia. Không chỉ vậy, các thủ tục được đưa lên Cổng thông tin này tồn tại những chồng chéo, bất cập do quy định trong văn bản pháp luật được xây dựng theo phương thức thủ công truyền thống, thiếu sự phối hợp, liên kết giữa các thủ tục hành chính liên quan đến nhau dẫn đến còn nhiều yêu cầu về thông tin chứng từ không cần thiết.
Do vậy, việc xây dựng, hoàn thiện dự thảo về Cơ chế một cửa quốc gia của Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính là rất kịp thời, trong bối cảnh ngày 15/5, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết 19-2018/NQ-CP về các giải pháp để thực hiện cải cách hoạt động KTCN, đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính về KTCN, tiếp tục tạo thuận lợi thương mại.
Để nghị định Cơ chế một cửa quốc gia có tính khả thi cao khi được ban hành, ông Bình cho rằng, cần thêm cụm từ “quản lý” vào tên gọi của dự thảo nghị định, bởi lẽ vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc thực thi là rất quan trọng. Trường hợp doanh nghiệp gặp vướng mắc khi làm thủ tục XNK, thông quan hàng hóa, các bộ, ngành cần thể hiện được trách nhiệm của mình trong việc tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp và trách nhiệm trong việc thực hiện mục tiêu đã được Chính phủ đề ra tại các Nghị quyết 19/NQ-CP.
“Cổng thông tin Cơ chế một cửa quốc gia là cổng điện tử không nên tiếp nhận chứng từ giấy. Điều này sẽ hạn chế tính thống nhất trong giải quyết thủ tục của các bộ, ngành, ảnh hưởng đến thời gian thông quan hàng hóa của doanh nghiệp. Những phần chưa điện tử, DN có thể làm việc với các bộ quản lý chuyên ngành để hoàn thiện đưa lên Cổng thông tin", ông Bình nói.