Loại bỏ ‘rườm rà’ kiểm tra chuyên ngành làm khó doanh nghiệp

Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) đang tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành triển khai rà soát và ban hành Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) thuộc đối tượng phải kiểm tra chuyên ngành (KTCN) trước thông quan và Danh mục hàng hóa phải KTCN sau thông quan.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, trong năm 2017, các bộ quản lý chuyên ngành đã tích cực phối hợp với Tổng cục Hải quan rà soát, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý và KTCN. Đến tháng 12/2017, số lượng văn bản được sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu tại Quyết định 2026/QĐ-TTg đạt 86% (75/87 văn bản). Một số văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế mới đã được ban hành và đã đưa nguyên tắc áp dụng quản lý rủi ro trong việc quản lý và kiểm tra chuyên ngành vào thực hiện; một số văn bản qua rà soát không còn phù hợp đã được bãi bỏ.

Trong ảnh: Cán bộ Chi cục Hải Quan tỉnh Phú Thọ kiểm tra hàng hóa sau thông quan. Ảnh: Trung Kiên/TTXVN.

Các bộ quản lý chức năng cũng đã phối hợp với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) trong việc xây dựng và ban hành Danh mục hàng hóa thuộc đối tượng KTCN kèm mã số HS. Một số bộ ngành khi ban hành văn bản đã đưa quy định miễn, giảm, kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế đối với hàng hóa thuộc đối tượng KTCN và ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận xử lý hồ sơ, trao đổi dữ liệu thông tin, chuyển thời điểm kiểm tra sang sau thông quan. Ví dụ như Bộ Khoa học và Công nghệ đã cắt giảm hơn 90% mặt hàng phải kiểm tra chất lượng trước khi thông quan; Bộ Công Thương đã bãi bỏ việc kiểm tra chất lượng trước khi thông quan đối với 140 mặt hàng thép...

Cùng với đó, Bộ Tài chính đã chủ trì phối hợp với 10 bộ ngành thành lập và đưa vào hoạt động 10 địa điểm KTCN tập trung tại 8 địa bàn quản lý hải quan là: TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Hà Nội, Đà Nẵng, Lào Cai, Quảng Ninh, Quảng Ngãi. Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ nâng cấp Trung tâm phân tích phân loại hàng hóa XNK (thuộc Tổng cục Hải quan) thành Cục Kiểm định Hải quan với 7 chi cục kiểm định, 4 trạm kiểm định di động và các phòng thí nghiệm để hỗ trợ thực hiện hoạt động KTCN đối với hàng hóa XNK.

Thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục cải tiến hoạt động KTCN đối với hàng hóa XNK theo hướng áp dụng phương pháp quản lý rủi ro, thực hiện nguyên tắc quản lý trên cơ sở đánh giá theo mức độ rủi ro của hàng hóa XNK và mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp để quyết định phương thức và cách thức kiểm tra phù hợp; áp dụng chế độ doanh nghiệp ưu tiên trong KTCN; chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm; đẩy mạnh kiểm tra tại nguồn; áp dụng thông lệ quốc tế, chủ động thực hiện công nhận chất lượng đối với những mặt hàng có nhãn hiệu nổi tiếng, nhà sản xuất nổi tiếng, có xuất xứ từ nước có yêu cầu cao về chất lượng hàng hóa, công nhận lẫn nhau theo thỏa thuận.

Ngoài ra, ngành hải quan sẽ tiếp tục điện tử hóa thủ tục (nộp hồ sơ, trả kết quả...) KTCN; kết nối chia sẻ, trao đổi thông tin giữa các cơ quan, tổ chức quản lý, kiểm tra chuyên ngành với Cổng thông tin một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN.

Minh Phương/Báo Tin tức
Tăng cường kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu
Tăng cường kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về tăng cường thực hiện các nhiệm vụ cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN