Theo Công ty Chứng khoán Vndirect, kỳ vọng này xuất phát từ nhu cầu tín dụng giảm do tăng trưởng kinh tế giảm tốc và thị trường bất động sản ảm đạm. Chính phủ thúc đẩy đầu tư công qua đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước có thể giảm thêm lãi suất điều hành nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đảo chiều chính sách tiền tệ trong nửa cuối năm 2023.
Nhóm phân tích của Vndirect, việc lãi suất huy động giảm giúp thị trường chứng dần trở nên hấp dẫn hơn. Theo đó, tỷ suất thu nhập trên giá (E/P) của VN-Index trung bình trong tháng 3 ở khoảng 8,6% (chưa bao gồm tỷ suất cổ tức là 1,7%). Khoảng cách giữa E/P và lãi suất tiền gửi ngân hàng kỳ hạn 12 tháng mở rộng trong tháng 3 khi lãi suất huy động giảm nhưng thị trường chứng khoán vẫn nằm trong xu hướng đi ngang. Việc này đồng nghĩa kênh đầu tư chứng khoán dần trở nên hấp dẫn hơn so với kênh tiền gửi.
Tuy nhiên, khoảng cách hiện tại vẫn chưa thật sự hấp dẫn như giai đoạn tháng 10-11 năm ngoái để nhà đầu tư có thể giải ngân quyết liệt hơn vào kênh chứng khoán. Trong 1-2 tháng tới, Vndirect kỳ vọng lãi suất huy động có thể sẽ tiếp tục giảm nhẹ, qua đó giúp kênh đầu tư chứng khoán hấp dẫn hơn khi so sánh tương quan.
Trước đó, chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, Ngân hàng Nhà nước đã có 2 đợt giảm lãi suất điều hành. Cụ thể, lãi suất tái chiết khấu giảm 1 điểm % xuống 3,5%/năm; lãi suất tái cấp vốn giảm 0,5 điểm % xuống 5,5%, lãi suất cho vay qua đêm của Ngân hàng Nhà nước đối với các tổ chức tín dụng cũng được hạ xuống 6%/năm từ 7%, trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND của tổ chức tín dụng đối với một số lĩnh vực ưu tiên giảm 1 điểm % xuống 4,5%/năm, lãi suất tối đa tiền gửi bằng VND không kỳ hạn dưới 1 tháng và kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng giảm 0,5 điểm %.
Về động thái đảo chiều chính sách tiền tệ này, nhóm nghiên cứu của Công ty Chứng khoán SSI đánh giá là giải pháp có tác động nhanh và trực tiếp nhất từ phía Ngân hàng Nhà nước trong hệ thống các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn của nền kinh tế, với mục tiêu có thể giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay trên thị trường.
Lãi suất trên thị trường 1 (lãi suất huy động của các ngân hàng từ dân cư và tổ chức kinh tế) tiếp tục hạ nhiệt trong bối cảnh thanh khoản dồi dào cũng như phản ứng trước động thái từ Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn trên 6 tháng có sự phân hóa giữa nhóm ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng ở dao động từ 7,2 - 8,2%, giảm khoảng 150-200 điểm cơ bản so với cuối năm 2022 cho nhóm nhà nước và dao động trong khoảng 8 - 8,9% cho nhóm ngân hàng còn lại.
Đối với lãi suất cho vay, tín dụng chậm lại là những nguyên nhân chính khiến các ngân hàng thương mại giảm mặt bằng lãi suất cho vay tương đối nhanh đối với những nhóm ngành ít rủi ro. Các số liệu từ phía Ngân hàng Nhà nước cho thấy tăng trưởng tín dụng có sự hồi phục trong nửa cuối tháng 3, tuy nhiên mức tăng trưởng nhìn chung vẫn khá yếu (chỉ vào khoảng 10% so với cùng kỳ).
Hiện mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường cho doanh nghiệp sản xuất thông thường đang dao động ở mức 10-10,5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng và 11-12%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, trong khi lãi suất vay tiêu dùng hay cho vay mua nhà vẫn duy trì ở mức tương đối cao, khoảng 14%/năm.
Về phía các tổ chức tín dụng, theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý II/2023 của Ngân hàng Nhà nước, trái ngược với dự báo tăng nhẹ mặt bằng lãi suất trong quý I/2023 và cả năm 2023 của kỳ điều tra trước, tại kỳ điều tra này, các tổ chức tín dụng kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bình quân toàn hệ thống giảm nhẹ 0,08 - 0,1 điểm phần trăm trong quý II/2023 và giảm nhẹ 0,19 – 0,34 điểm phần trăm trong cả năm 2023.
Theo đánh giá của các tổ chức, nhu cầu vay vốn, dịch vụ thanh toán và thẻ, gửi tiền của khách hàng trong quý I/2023 có cải thiện nhưng chưa được như kỳ vọng. Các tổ chức tín dụng dự báo nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng diễn biến khả quan trong quý II/2023; trong đó, nhu cầu vay vốn được kỳ vọng “tăng” nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán.