Kết thúc phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 2,3% (630 điểm), xuống 27.500,89 điểm, còn chỉ số S&P 500 để mất 2,8% xuống 3.331,84 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq giảm 4,1% xuống 110.847,69 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 10% sau ba phiên đi xuống gần đây sau nhiều phiên lập kỷ lục tính đến ngày 2/9.
Trưởng bộ phận văn phòng đầu tư của Cresset Capital, Jack Ablin, cho rằng phiên giao dịch ngày 8/9 đánh dấu sự thay đổi từ tình trạng sôi động của cuối tuần trước sang bán tháo cổ phiếu công nghệ, bởi các nhà đầu tư lo ngại về đà phục hồi kinh tế.
Giới chuyên gia cho rằng căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng và sự bế tắc của Washington về một gói kích thích kinh tế mới là những nhân tố khiến thị trường giảm mạnh bên cạnh việc các nhà đầu tư tiến hành bán chốt lời sau các đợt tăng giá trước đó.
Thị trường chứng khoán Mỹ đi lên trong thời gian qua nhờ kỳ vọng thu nhập tăng trưởng mạnh trong năm 2021 theo sau các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ. Mặc dù triển vọng thời gian tới có thể "sáng" hơn, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ vẫn ở mức cao sau khi tăng trưởng giảm kỷ lục trong quý II bởi các biện pháp phong tỏa ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19. Nhiều chuyên gia cảnh báo rằng sự gia tăng của thị trường đã tách khỏi các nguyên tác cơ bản về kinh tế.
Tại thị trường Việt Nam, kết thúc phiên giao dịch ngày 8/9, VN-Index tăng 1,89 điểm (0,21%) lên 890,14 điểm, trong khi HNX-Index giảm 0,63 điểm (0,50%) xuống 124,80 điểm.