Khép phiên này, giá dầu Brent biển Bắc tăng 19 xu Mỹ (0,3%) lên 76,03 USD/thùng. Còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 9 xu Mỹ (0,1%) lên 71,32 USD/thùng.
Trước đó, giá hai loại dầu chủ chốt này đều tăng hơn 2% trong phiên 8/12, nhưng giảm trong tuần thứ bảy liên tiếp, ghi nhận chuỗi tuần sụt giảm dài nhất kể từ năm 2018, do lo ngại về tình trạng dư thừa nguồn cung kéo dài.
Mặc dù nhóm OPEC+ cam kết sẽ cắt giảm sản lượng 2,2 triệu thùng dầu mỗi ngày trong quý I/2024, song các nhà đầu tư vẫn hoài nghi về việc tuân thủ cam kết này.
Chủ tịch của công ty tài chính Ritterbusch and Associates LLC ở Galena, Illinois, Jim Ritterbusch cho biết sau quyết định của OPEC+, các thành viên tham gia cắt giảm sản lượng sẽ chứng kiến không chỉ doanh thu sụt giảm do khối lượng ít hơn mà giá dầu cũng giảm theo.
Trong khi đó, mức tăng sản lượng tại các nước ngoài OPEC dự kiến sẽ dẫn đến tình trạng dư cung trong năm 2024. Ngân hàng đầu tư RBC Capital Markets dự kiến lượng dầu tồn kho giảm 700.000 thùng/ngày trong nửa đầu năm 2024, nhưng chỉ giảm 140.000 thùng/ngày trong cả năm.
Các nhà phân tích của RBC cho biết giá dầu sẽ tiếp tục biến động và không có định hướng cho đến khi thị trường nhìn thấy các dữ liệu rõ ràng liên quan đến việc cắt giảm sản lượng tự nguyện.
Hiện các nhà đầu tư đang theo dõi các chỉ dẫn về chính sách lãi suất từ các cuộc họp của 5 ngân hàng trung ương lớn trong đó có Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), cũng như dữ liệu lạm phát của Mỹ để đánh giá tác động có thể xảy ra đối với nền kinh tế toàn cầu và nhu cầu dầu mỏ.
Tình hình giá dầu giảm gần đây đã thu hút nhu cầu từ Mỹ, nước đang thu mua tới 3 triệu thùng dầu thô để lấp đầy Kho Dự trữ Dầu Chiến lược (SPR) vào tháng 3/2024.