Lực bán áp đảo, VN-Index giảm sâu hơn 20 điểm

Trong phiên giao dịch cuối tuần, sáng 18/8, thị trường chứng khoán (TTCK) đã có sự điều chỉnh giảm điểm mạnh do áp lực chốt lời, VN-Index giảm sâu hơn 20 điểm. Đáng chú ý, cổ phiếu VIC đã có 2 phiên liên tiếp giảm mạnh sau phiên tăng trần ngày 16/8.

Chú thích ảnh
Phiên giao dịch sáng ngày 18/8. Ảnh chụp màn hình

Trước đó, sau khoảng 1 giờ mở cửa với nỗ lực giữ mốc 1.220 điểm, lực bán diễn ra ồ ạt trên toàn thị trường đẩy VN-Index “cắm đầu” đi xuống và "bốc hơi" hơn 20 điểm, về sát mốc 1.210 điểm. Trên bảng điện tử, số mã giảm điểm gấp tới gần 10 lần số mã tăng, trong đó, hầu hết các cổ phiếu nhóm VN30 cũng không thoát khỏi trạng thái mất điểm chung.

Chốt phiên sáng, VN-Index giảm sâu 20,27 điểm và dừng ở mốc 1.213, 27 điểm; HNX-Index giảm 3 điểm, về gần 247 điểm. Tổng khối lượng giao dịch trên toàn thị trường đạt 828,82 triệu cổ phiếu, tương đương tổng giá trị giao dịch trên thị trường hơn 16.848 ngàn tỷ đồng. 

Đi đầu trong tốp 10 cổ phiếu giảm mạnh là VIC, với mức -5,56%, tương đương giảm 4.000 đồng, đưa mức giá giảm còn 67.900 đồng/cổ phiếu (cp). Trước đó, ngày 17/8, VIC cũng giảm 3.700 đồng xuống còn 71.900 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, ngày 16/8, VIC đã có phiên thăng hoa khi tăng kịch trần lên 75.600 đồng/cp nhờ cổ phiếu VinFast (VFS) lên sàn Nasdaq của Mỹ.

Chú thích ảnh
Top 10 các cổ phiếu tăng, giảm nhiều nhất trong phiên sáng 18/8. Ảnh chụp màn hình

Tuy nhiên, các phiên sau VFS đã giảm, VinFast cũng rời top 10 công ty sản xuất xe hơi có vốn hóa lớn nhất thế giới. Cụ thể, khép phiên ngày 17/8 (giờ Việt Nam), cổ phiếu của VinFast giảm 33,6% xuống 20 USD/cp, tức giảm 46% so với mức đóng cửa phiên đầu tiên (37.11 USD/cp). Với mức giá này, vốn hóa của VinFast ở mức 45 tỷ USD.

Theo CTCK Đông Á (DAS), với hiệu ứng tích cực khi VinFast niêm yết NASDAQ, thị trường đã nỗ lực kéo dài đà tăng nhưng chưa có sự đồng pha giữa các cổ phiếu vốn hóa lớn. Khi hiệu ứng tâm lý qua đi, áp lực điều chỉnh rõ nét hơn.

Tiếp sau sự bán tháo cổ phiếu VIC là các mã VHM, BID. Đây là những mã tác động tiêu cực nhất tới thị trường. Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cổ phiếu ngành hàng hải MHC mặc dù có chút rung lắc đầu phiên do áp lực chốt lời gia tăng mạnh sau 2 phiên tăng trần trước đó, nhưng lực cầu hấp thụ mạnh giúp mã này có thời điểm kéo trần trở lại.

Chú thích ảnh
Cổ phiếu VIC tiếp tục giảm mạnh trong phiên sáng 18/8, đi đầu trong 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất thị trường. Ảnh chụp màn hình

Xét về nhóm ngành, nhóm cổ phiếu bất động sản đang dẫn đầu thị trường khi giảm 2,7%. Tuy nhiên, vẫn có điểm sáng ngược dòng thành công, đó là VCG sau thời gian ngắn đầu phiên rung lắc và tăng vọt nhờ lực cầu mạnh.

Theo nhận định của các chuyên gia tài chính - chứng khoán, phiên điều chỉnh giảm mạnh trong ngày 18/8 không nằm ngoài dự đoán bởi trong thời gian qua, thị trường đã liên tục tăng với sự chống đỡ của các cổ phiếu có vốn hóa lớn. Trong 2 ngày 17 và 18/8 là thời gian để các nhà đầu tư bắt đầu hạ tỷ trọng cổ phiếu, cắt giảm để chốt lời. Thị trường tăng giảm xen kẽ sẽ là cơ hội để các nhà đầu tư ngắn hạn tích lũy, chờ các nhịp điều chỉnh tiếp theo.

Các công ty chứng khoán (CTCK) nhận định, với áp lực bán hiện tại, VN-Index có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh trong vài phiên tới nhưng sẽ sớm lấy lại đà tăng để chinh phục ngưỡng 1.300 điểm. Hiện tại, VN-Index đang điều chỉnh và có thể bật trở lại khi chạm ngưỡng hỗ trợ 1.230.

Trong khi đó, CTCK Agribank (Agriseco) giữ nguyên quan điểm thị trường sẽ tiếp tục tích lũy với những phiên tăng giảm điểm xen kẽ trong giai đoạn này. Agriseco khuyến nghị nhà đầu tư có thể hạ tỉ trọng với các cổ phiếu đã tăng đạt kì vọng và giữ tỷ trọng tiền mặt ở mức 60% danh mục để chờ cơ hội tại các nhịp điều chỉnh. Trường hợp giải ngân mới, nhà đầu tư có thể chờ để mở vị thế mua các cổ phiếu đang về vùng hỗ trợ kỹ thuật với tỉ trọng nhỏ và lưu ý tuân thủ kỉ luật chốt lời, cắt lỗ.

Chú thích ảnh
Thống kê giao dịch VIC trong tuần. Ảnh chụp màn hình

CTCK Asean (Aseansc) thì dự báo trong chiều nay, VN-Index sẽ kiểm tra vùng hỗ trợ 1.215 - 1.220 điểm. Sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp và có thể giúp chỉ số có sự hồi phục nhất định sau đó, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.

Dưới góc nhìn ngắn hạn, CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS) nhận định, VN-Index có thể sớm bước vào nhịp tăng điểm tiếp theo sau nhịp tích lũy chặt chẽ hiện tại tương tự như đã xảy ra trong quá trình tăng điểm trung hạn vừa qua. Tuy nhiên, cũng không loại bỏ khả năng thị trường sẽ tích lũy trong thời gian dài hơn để rũ bỏ và tích lũy nội lực trước ngưỡng cản mạnh. SHS kỳ vọng trạng thái vận động theo nhịp sẽ còn diễn ra cho đến khi VN-Index chạm ngưỡng kháng cự mạnh 1.300 điểm.

CTCK Đông Á (DAS) khuyến nghị, nhóm nhà đầu tư cá nhân tăng mức độ sử dụng margin trong thời gian qua dễ dẫn đến dao động tâm lý và thúc đẩy lượng cung khi thị trường điều chỉnh. Do đó, chiến lược ngắn hạn là thận trọng giảm tỷ lệ margin và chờ cơ hội mới khi thị trường điều chỉnh. VN-Index có thể phục hồi khi về vùng hỗ trợ ngắn hạn 1.220 điểm.

Hải Yên/Báo Tin tức
Ngay sau khi VFS lên sàn Nasdaq, cổ phiếu VIC cũng tăng kịch trần
Ngay sau khi VFS lên sàn Nasdaq, cổ phiếu VIC cũng tăng kịch trần

Sau khi cổ phiếu VFS của VinFast chính thức chào sàn Nasdaq, cổ phiếu của Tập đoàn Vingroup - CTCP (HOSE: VIC) cũng tăng trần trong phiên sáng 16/8, với khối lượng giao dịch gần 14,2 triệu cổ phiếu (cp). Trong đó, khối lượng dư mua giá trần là 75.600 đồng/cp, với hơn 4,86 triệu đơn vị.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN