Chốt phiên chiều ngày 8/4, VN-Index mất hơn 20 điểm, xuống 1.482 điểm. Trong khi đó, HNX-Index giảm gần 10 điểm, xuống còn 432 điểm. Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt gần 954 triệu cổ phiếu, tương đương tổng giá trị hơn 27.857 tỷ đồng. Trong đó, có hơn 764 mã giảm giá, 571 mã đứng giá và gần 300 mã tăng giá.
Đáng chú ý, nhóm ngành tài chính, ngân hàng, sản xuất giảm mạnh nhất. Trong đó, tốp 10 cổ phiếu góp phần cho thị trường giảm gần 10 điểm phải kể đến là BID, GVR, GAS, VPBm FPT, MWG, MSN, VIB, VNM, CTG. Nhóm cổ phiếu giúp thị trường thu hẹp khoảng cách giảm là VIC với hơn 2,2 điểm, tiếp đó là NVL, BCM, VJC, ACB, VHM, VCF, MSH, VHC, DIG.
Trước đó, trong phiên sáng ngày 8/4, lực bán tăng mạnh về cuối phiên dẫn đến các chỉ số trên thị trường đồng loạt giảm điểm. Kết phiên sáng, VN-Index giảm 8,82 điểm, xuống còn 1.493,53 điểm; HNX-Index giảm 3,82 điểm, dừng chân ở mức 437,79 điểm. Độ rộng toàn thị trường kết phiên sáng nghiêng về bên bán với 697 mã giảm và 233 mã tăng. Trong rổ VN30, sắc đỏ chiếm ưu thế với 20 mã giảm, 5 mã tăng và 5 mã đứng giá.
Khối lượng giao dịch của VN-Index ghi nhận trong phiên sáng đạt gần 356 triệu đơn vị với giá trị hơn 11 ngàn tỷ đồng. HNX-Index ghi nhận khối lượng giao dịch đạt gần 40 triệu đơn vị, với giá trị giao dịch đạt gần 1,3 ngàn tỷ đồng.
Theo đánh giá của các chuyên gia chứng khoán, nhà đầu tư trong phiên ngày 8/4 không dứt khoát và có phần thận trọng khi ngày 7/4 thị trường giảm mạnh vào cuối phiên do tâm lý nhà đầu tư có phần tiêu cực, khiến áp lực bán gia tăng, nhất là trong phiên ATC.
Nhận định về thị trường tháng 4, chuyên gia CTCK Maybank (MSVN) cho rằng, cần có các chiến thuật linh hoạt như tìm kiếm các ý tưởng tăng trưởng trong rổ cổ phiếu vốn hóa trung bình và nhỏ để nắm bắt nhịp tăng trung hạn.
Theo báo cáo chiến lược tháng 4/2022 của Maybank, dòng tiền từ nhóm đầu tư với xu hướng dài hạn như khối ngoại và tổ chức trong nước đã mua ròng trong tuần qua. Đáng chú ý, đây là tuần mua ròng thứ 2 liên tiếp của khối ngoại và có sự đảo chiều so với tuần trước ở nhóm nhà đầu tư tổ chức trong nước.
Trong khi đó, bên bán ròng đến từ dòng tiền của nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước tập trung chốt lời. Có thể thấy, tâm lý của dòng tiền đầu tư dài hạn đang dần lạc quan trở lại, tạo điểm cộng cho VN-Index khi dòng tiền nước ngoài quay trở lại và đồng thời cũng có khả năng giữ vững đà tăng của thị trường.
Theo chuyên gia MSVN, đây là điểm cộng cho thị trường trong tuần qua khi thị trường bứt phá được ngưỡng kháng cự với đóng góp từ dòng tiền của khối ngoại, nhóm được cho là có xu hướng đầu tư dài hạn hơn, tạo đà tăng bền vững cho thị trường. Nhờ lực mua ròng của tuần qua đã thu hẹp lực bán ròng của khối này từ đầu năm đến nay còn 8.124 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tháng 4 vẫn là tháng khó lường khi báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2022 và đại hội cổ đông của các doanh nghiệp được công bố. Với thị trường nói chung, nhà đầu tư sẽ nhìn vào các thông tin này để đánh giá triển vọng, tính khả thi trong kế hoạch của doanh nghiệp trong năm để quyết định đầu tư.
Về kinh tế vĩ mô, đặc biệt là tình hình lạm phát, chuyên gia MSVN cho rằng, lạm phát ở Việt Nam sẽ có thể kiểm soát được ở mức bình quân 4,0% trong năm nay và sẽ không làm gián đoạn quá trình phục hồi kinh tế; đồng thời, duy trì dự báo tăng trưởng thu nhập doanh nghiệp năm 2022 là 25% và mục tiêu VN-Index đạt 1.800 điểm, tăng 20%.