Nhưng đà tăng này đã bị lu mờ bởi số liệu kinh tế cho thấy lạm phát vẫn là một mối lo ngại có thể trì hoãn việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất.
Khép lại phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 605,78 điểm, hay 1,53%, xuống 39.065,26 điểm, một phần do cổ phiếu Boeing lao dốc 7,55% sau khi nhà sản xuất máy bay của Mỹ này dự báo dòng tiền tự do âm trong năm 2024 do việc giao hàng trì trệ. Đây là mức giảm phần trăm theo ngày lớn nhất của chỉ số Dow Jones kể từ ngày 22/3/2023.
Trong khi đó, chỉ số tổng hợp S&P 500 giảm 39,17 điểm, hay 0,74%, xuống 5.267,84 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq giảm 65,51 điểm, hay 0,39%, xuống 16.736,03 điểm.
Phiên này, cổ phiếu Nvidia tăng 9,32% và lần đầu tiên đóng cửa trên ngưỡng 1.000 USD/cổ phiếu, đẩy chỉ số Nasdaq và S&P 500 lên các mức cao kỷ lục trong phiên. Điều này diễn ra sau khi công ty sản xuất chip chuyên về trí tuệ nhân tạo (AI) này dự báo doanh thu quý vượt ước tính và thông báo chia tách cổ phiếu. Cổ phiếu Nvidia đã tăng khoảng 110% trong năm nay sau khi tăng vọt khoảng 240% trong năm 2023.
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán đã giảm điểm sau khi dữ liệu kinh tế cho thấy áp lực giá cả ở Mỹ tăng lên trong tháng 5, ngay cả khi hoạt động kinh doanh tăng tốc và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần giảm cho thấy thị trường lao động vẫn vững chắc.
Lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ tăng sau số liệu nói trên, vốn có ảnh hưởng mạnh đến nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ, khi chỉ số Russell 2000 giảm 1,6%, mức giảm phần trăm theo ngày lớn nhất kể từ ngày 30/4.
Theo công cụ FedWatch Tool của CME, thị trường hiện đang dự báo có 52,2% khả năng Fed cắt giảm lãi suất ít nhất 0,25 điểm phần trăm vào tháng Chín, giảm so với mức gần 67% một tuần trước.
Còn tại Việt Nam, phiên 23/5, thị trường chứng kiến hầu hết cổ phiếu quay đầu tăng điểm về cuối giờ, đưa VN-Index tăng hơn 14 điểm vào thời điểm chốt phiên. Cụ thể, khép lại phiên này, VN-Index tăng 14,12 điểm lên 1.281,03 điểm, còn HNX-Index tăng 1,76 điểm lên 246,91 điểm.