Đặc biệt, để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu thì yêu cầu đối với quả xoài hết sức khắt khe. Một trong những giải pháp thực hành nông nghiệp tốt mà người nông dân tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La đang triển khai là "mặc áo” cho quả xoài bằng cách sử dụng đeo túi bao trái để nâng cao mẫu mã và chất lượng quả xoài.
Những ngày này, các thành viên gia đình ông Nguyễn Văn Soái ở bản Long Phú, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu đang tất bật “mặc áo” cho 2 ha xoài. Cách làm này khá hữu hiệu, không những tránh được ruồi vàng tấn công trái xoài mà còn hạn chế được nhiều loại sâu bệnh khác và hình thức, mẫu mã quả xoài cũng đẹp hơn.
Ông Nguyễn Văn Soái chia sẻ, trước đây, gia đình ông đã dùng một số cách như đánh thuốc phiến, bả dính để diệt côn trùng nhưng không khả quan. Nay, gia đình được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn cách chăm sóc trái xoài bằng cách đeo túi bao thấy rất hiệu quả. Trái xoài không bị côn trùng xâm nhập mà mẫu mã lại đẹp và được khách hàng ưa chuộng.
Thời gian trước do giá xoài thấp nên các hộ nông dân không chú ý đến việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Do vậy, trái xoài thường bị ruồi vàng gây hại làm giảm giá trị. Trong 2 năm trở lại đây, gia đình ông Soái cũng như các hộ thành viên trong Hợp tác xã hoa quả Thành Đạt được nhân viên Trung tâm dịch vụ nông nghiệp của huyện Mộc Châu hướng dẫn áp dụng thực hành kỹ thuật nông nghiệp VietGAP và đăng ký vùng xoài xuất khẩu năm 2019.
Ông Nguyễn Như Biển, Giám đốc Hợp tác xã hoa quả Thành Đạt huyện Mộc Châu cho biết, hợp tác xã đã tuyên truyền cho bà con cách phòng trừ côn trùng, sâu bệnh bằng việc sử dụng đeo túi bao trái xoài và đăng ký mã vùng trồng xoài xuất khẩu cho các thành viên. Để quả xoài đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, chúng tôi đã làm theo đúng các quy trình, từ khâu làm đất, ghi chép nhật ký phát triển, cách chăm sóc cho đến khâu bảo quản, bao bì đóng gói.
Nông dân khi sử dụng túi bao trái xoài đã không bị côn trùng, sâu bệnh phá hoại; quả xoài không còn có các vết nám do sâu bệnh hay cháy nắng; màu vỏ quả xoài đẹp hơn, đáp ứng yêu cầu thị trường và tăng năng suất cây trồng.
Sử dụng biện pháp này, lợi nhuận từ sản xuất xoài tăng hàng chục triệu đồng so với phương pháp canh tác truyền thống, đồng thời giảm mạnh việc sử dụng thuốc trừ sâu bệnh, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất và tiêu dùng, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu.
Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu Trương Hoa Bắc thông tin: Để đảm bảo yêu cầu của thị trường xuất khẩu, như vấn đề mẫu mã, chất lượng và xuất xứ sản phẩm, ngay từ cuối năm 2018, huyện Mộc Châu đã chỉ đạo các hợp tác xã, cơ quan chuyên môn hướng dẫn người trồng xoài để tổ chức ra các sản phẩm bảo đảm các điều kiện.
Qua theo dõi và đánh giá, các hợp tác xã đang chấp hành tốt các quy trình theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La cũng như Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Mộc Châu. Địa phương tin rằng, năm 2019, sẽ đạt và vượt kế hoạch đề ra là xuất khẩu 300 tấn xoài.
Hiện nay, huyện Mộc Châu có trên 200 ha xoài đã cho thu hoạch; trong đó, có gần 40 ha được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu. Việc ứng dụng kỹ thuật, thực hành nông nghiệp tốt vào sản xuất đã tạo ra vùng sản xuất lớn, sản phẩm có sức cạnh tranh cao thị trường trong nước và thể giới.