Một điểm thu mua vải thiều tại xã Tân Mộc, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). Ảnh: Danh Lam/TTXVN |
Giá vải thiều sớm đầu vụ của tỉnh có giá bán cao nhất từ 30.000 - 45.000 đồng/kg; vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP ngày 01/6/2018 tại huyện Tân Yên là 22.000 đồng/kg; bình quân khoảng 13.000 - 15.000 đồng/kg; cá biệt, có loại giá dưới 10.000 đồng/kg, đó là loại vải thiều mã xấu, quả nhỏ, bị sâu cuống, không được chăm sóc hoặc chăm sóc chưa tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật.
Vụ vải năm 2018, diện tích trồng vải thiều của tỉnh duy trì gần 29.000 ha. Do thời tiết thuận lợi, vải thiều sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ ra hoa và đậu quả cao, sản lượng vải thiều toàn tỉnh vụ năm nay ước đạt từ 150.000 đến 180.000 tấn. Trong tổng số diện tích trên, diện tích vải thiều sớm của tỉnh là khoảng 6.000 ha, chiếm 20,6% diện tích, sản lượng khoảng trên 30.000 tấn; vải thiều chính vụ khoảng 23.000 ha, chiếm 79,4% diện tích, sản lượng khoảng từ 120.000 đến 150.000 tấn.
Diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của tỉnh là 13.500 ha, ước sản lượng đạt 90.000 tấn; diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP là 218,5 ha, được Mỹ cấp mã số IRADS với 394 hộ sản xuất, tập trung tại các xã Hồng Giang, Giáp Sơn, Tân Mộc, Biên Sơn, Tân Quang, Tân Sơn và Kiên Lao (huyện Lục Ngạn), đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Mỹ, sản lượng đạt 10.000 tấn.
Ngoài ra, vải thiều Lục Ngạn- Bắc Giang đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại 8 quốc gia trên thế giới gồm: Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Lào và Campuchia.
Tỉnh Bắc Giang đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các hộ nông dân canh tác theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt để quả vải thiều luôn đảm bảo chất lượng, đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy chuẩn đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu ở tất cả các nước trên thế giới; nhất là các thị trường đòi hỏi khắt khe về chất lượng như: Mỹ, Australia, EU, Nhật Bản...
Bên cạnh đó, ngành chức năng địa phương hướng dẫn người trồng vải vệ sinh vườn sạch sẽ, không phun thuốc bảo vệ thực vật mà các thị trường cấm sử dụng, sử dụng thuốc sinh học và phải đảm bảo thời gian cách ly, thường xuyên ghi chép những yếu tố tác động trong sản xuất đảm bảo truy xuất nguồn gốc; thực hiện kiểm tra, giám sát nội bộ và giám sát từ bên ngoài đối với việc tổ chức sản xuất vải thiều...
Vải thiều chính vụ của Bắc Giang năm nay dự kiến thu hoạch từ ngày 15/6 đến ngày 25/7/2018. Hiện tại, tỉnh Bắc Giang đã chuẩn bị các điều kiện hậu cần tốt nhất và cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước đến thu mua, chế biến và tiêu thụ vải thiều trong vụ vải năm 2018.
Cùng với quan tâm chỉ đạo sản xuất, tỉnh đã tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm vải thiều trên các phương tiện truyền thông; chủ động phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh Lào Cai, tỉnh Lạng Sơn, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội… để bàn các biện pháp tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình vận chuyển, tiêu thụ vải thiều.
Bắc Giang cũng tăng cường sự phối hợp, kết nối giữa thương nhân tiêu thụ vải thiều của tỉnh với hiệp hội các nhà bán lẻ, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố để đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối như: BigC, Co.opmart, Hapro, Aeon, Chợ đầu mối Thủ Đức, Bình Dương, Chợ đầu mối Long Biên...
Đối với thị trường xuất khẩu, vụ vải thiều năm 2018 tỉnh Bắc Giang vẫn duy trì xuất khẩu quả vải tươi và vải thiều chế biến; trong đó, thị trường Trung Quốc vẫn được xác định là thị trường truyền thống, với phần lớn sản phẩm vải thiều tươi xuất khẩu tiêu thụ ở thị trường này.
Ngoài ra, tỉnh Bắc Giang tiếp tục nâng cao số lượng vải thiều xuất khẩu vào các thị trường: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Malaysia; mở rộng các thị trường xuất khẩu khác như Trung Đông, Thái Lan, Canada…
Dự kiến sản lượng vải thiều năm 2018 của tỉnh Bắc Giang tiêu thụ trong nước khoảng 80.000 - 90.000 tấn, chiếm khoảng 50% tổng sản lượng, 50% số vải thiều của tỉnh phục vụ cho xuất khẩu.