Bên cạnh đó, những lo ngại về lạm phát cùng chính sách tăng lãi suất mạnh tay của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã khiến các chỉ số chính S&P 500 và Nasdaq ghi nhận mức giảm hàng tuần tính theo tỷ lệ phần trăm tồi tệ nhất kể từ tháng 6/2022.
Phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 139,4 điểm (tương đương 0,5%) và đóng cửa ở mức 30.822,42 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 giảm 28,02 điểm (0,7%) và kết thúc ở mức 3.873,33 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cũng mất 103,95 điểm (0,9%) và kết thúc ở mức 11.448,40 điểm.
Ông Michael Landsberg, Giám đốc đầu tư của công ty quản lý tài sản Landsberg Bennett Private Wealth Management cho biết cảnh báo lợi nhuận mới nhất của FedEx Corp. là một dấu hiệu của nền kinh tế đang chậm lại. Theo ông Landsberg, nền kinh tế Mỹ sẽ có một cuộc “hạ cánh cứng” khi Fed tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ. Chuyên gia này cũng lưu ý ông sẽ không mua vào các cổ phiếu xuống giá ở Mỹ hoặc ở châu Âu.
Cổ phiếu FedEx giảm 21,4% xuống 161,02 USD/cổ phiếu sau khi họ hạ triển vọng kinh doanh hàng năm, dự báo lợi nhuận hàng quý giảm mạnh và doanh thu thấp hơn. Các nhà phân tích cho biết tin tức này đã gây áp lực lên các cổ phiếu nhóm ngành vận tải biển, đồng thời làm ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư khi CEO FedEx Raj Subramaniam nói rằng nền kinh tế toàn cầu có khả năng tiến tới suy thoái.
Ông Naeem Aslam, trưởng nhóm phân tích thị trường tại nền tảng giao dịch AvaTrade cho hay nhận định trên của FedEx đã khiến giới giao dịch cẩn trọng hơn và không có nhiều người đặt lệnh mua vào. Theo ông, nhiều khả năng sẽ xuất hiện thông điệp tương tự từ các công ty khác trong những ngày tới. Điều đó có thể khiến tâm lý chung thậm chí còn bất lợi hơn cho thị trường chứng khoán.
Giới chuyên gia kinh tế đánh giá đây là một tuần nhiều khó khăn khi thị trường phải đối mặt với tình trạng lạm phát cao, lãi suất cao và tăng trưởng thấp cùng lúc. Tình hình đó không hề thuận lợi cho thị trường cổ phiếu hoặc trái phiếu.
Trong phiên đầu tuần 12/9, chứng khoán Mỹ tăng điểm giữa bối cảnh đồng USD suy yếu và niềm tin ngày càng tăng rằng lạm phát đã đạt đỉnh, giúp đà phục hồi của Phố Wall tiếp tục diễn ra trước khi báo cáo lạm phát quan trọng được công bố. Kết thúc phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 229,63 điểm (tương đương 0,71%) lên 32.1,34 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 tiến 1,06% lên 4.110,41 điểm. Còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cộng 1,27% lên 12.266,41 điểm.
Nhưng sang phiên 13/9, làn sóng bán tháo bất ngờ đã khiến phố Wall dứt chuỗi bốn phiên tăng và quay đầu giảm điểm mạnh, sau khi Bộ Lao động Mỹ cùng ngày công bố số liệu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2022 của nước này tăng nhanh hơn dự kiến. Điều này củng cố khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm vào tuần tới. Dow Jones giảm 1.276,37 điểm (3,94%) xuống 31.104,97 điểm. S&P 500 giảm 177,72 điểm (4,32%) xuống 3.932,69 điểm và Nasdaq Composite giảm 632,84 điểm (5,16%) xuống 11.633,57 điểm. Đây đều là những mức giảm tính theo phần trăm trong ngày cao nhất kể từ tháng 6/2020.
Chứng khoán Phố Wall phục hồi phần nào trong phiên 14/9 sau đợt bán tháo của phiên trước. Chỉ số Dow Jones tăng 0,1% lên 31.135,09 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,3% lên 3.946,01 điểm, trong khi Nasdaq Composite tiến 0,7% và khép phiên ở mức 11.719, điểm. Giới quan sát cho rằng đợt bán tháo hôm 13/9 quá lớn, đến mức thị trường đã phải có một đợt hồi phục kỹ thuật trong ngày 14/9.
Ba chỉ số chính trên Phố Wall phiên 15/9 ban đầu giao dịch trong vùng xanh, song sau đó đã đảo chiều sau thông báo về một thỏa thuận dự kiến nhằm tránh những thiệt hại do cuộc đình công ngành đường sắt gây ra. Việc Ngân hàng Thế giới cảnh báo nguy cơ suy thoái toàn cầu đã tăng lên với chính sách thắt chặt của các ngân hàng trung ương cũng tác động lên thị trường. Chỉ số S&P 500 giảm 1,1% xuống 3.901,35 điểm, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 1,4% xuống 11.552,36 điểm, còn chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,6% xuống 30.961,82 điểm.
Với mức giảm ghi nhận trong phiên 16/9, tinh chung trong tuần qua chỉ số Dow giảm 4,1% trong khi S&P 500 lùi 4,8% và Nasdaq Composite mất 5,5%.
Nhiều nhà phân tích đã hạ dự báo của họ về triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp trong quý III/2022. Theo công ty chuyên về dữ liệu tài chính FactSet, thị trường hiện kỳ vọng tăng trưởng thu nhập đối với nhóm chỉ số S&P 500 chỉ là 3,7% trong quý III/2022, giảm mạnh so với kỳ vọng tăng trưởng 9,8% ghi nhận hồi cuối tháng Sáu.
Ông Alessio de Longis, Giám đốc danh mục đầu tư cấp cao tại công ty quản lý đầu tư Invesco nhận định thị trường chứng khoán sẽ còn giảm sâu nữa vì giới đầu tư trước đây hầu như không đặt cược vào một cuộc suy thoái. Ông dự kiến rằng nền kinh tế Mỹ sẽ suy thoái trong 12 tháng tới khi Fed tích cực tăng lãi suất để giảm lạm phát.