Đồng Bitcoin tại Washington, DC ngày 1/5/2014. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trả lời phỏng vấn tại Câu lạc bộ Kinh tế Washington, Bộ trưởng Mnuchin cho biết lo ngại lớn nhất của ông về các đồng tiền ảo là chúng có thể bị sử dụng cho các mục đích phi pháp như rửa tiền hoặc tài trợ cho các hoạt động bất hợp pháp và người tiêu dùng có thể bị phương hại từ việc đầu tư tích trữ đồng tiền ảo này.
Ông cho biết Mỹ sẽ hợp tác với các nước thành viên thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) nhằm đảm bảo rằng các tài khoản đồng tiền kỹ thuật số này không nằm trong "tài khoản của ngân hàng Thụy Sĩ". Theo Bộ trưởng tài chính Mỹ, Hội đồng Giám sát ổn định tài chính liên ngân hàng đã thành lập một nhóm có nhiệm vụ giám sát các đồng tiền ảo.
Liên quan vấn đề liệu Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Bộ Tài chính Mỹ có xem xét việc ban hành đồng USD kỹ thuật số, Bộ trưởng Mnuchin cho biết hai cơ quan trên hiện không có nhu cầu xem xét vấn đề này vào thời điểm hiện nay.
Trước đó, phát biểu tại cuộc họp báo hồi tháng 12/2017, Chủ tịch FED, bà Janet Yellen đã bác bỏ đề xuất về ban hành đồng tiền kỹ thuật số này với lý do việc này sẽ mang lại ít lợi ích trong bối cảnh có ít nhu cầu về đồng tiền này trong khi mối lo ngại mà chúng gây ra thì rất lớn.
Bitcoin là đồng tiền điện tử đầu tiên trên thế giới, đồng thời là đồng tiền điện tử phát triển "nóng" nhất, khi mà các đồng tiền ảo khác không đạt được mức tăng kỷ lục và tốc độ tăng giá trị nhanh chóng như Bitcoin. Năm 2017 là năm đã chứng kiến tốc độ "phi mã" chóng mặt của đồng tiền này. Trung tuần tháng 12 năm ngoái, đã có thời điểm đồng tiền này được giao dịch ở mức 19.666 USD/bitcoin.
Bitcoin là loại tiền tệ kỹ thuật số được phát hành dưới dạng phần mềm mã nguồn mở. Đồng tiền này được một hoặc một nhóm nhà phát triển bí ẩn mang biệt hiệu Satoshi Nakamoto giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2009. Bitcoin có thể được trao đổi trực tiếp bằng thiết bị kết nối Internet mà không cần một tổ chức tài chính trung gian nào.
Với những đặc tính như ẩn danh, giao dịch không mất phí, Bitcoin ngày càng được chấp nhận rộng rãi và có thể được dùng trong trao đổi hàng hóa, dịch vụ hoặc trao đổi các loại tiền tệ khác, với điều kiện bên còn lại sẵn sàng chấp nhận giao dịch. Quy trình vận hành như vậy cùng với việc thiếu những quy định rõ ràng đã khiến cho Bitcoin trở thành miếng mồi béo bở đối với những kẻ buôn lậu và nhiều loại tội phạm khác.