Trước tác động của đại dịch COVID-19, Bộ Tài chính đã có nhiều giải pháp ổn định và phát triển thị trường chứng khoán như: Cắt giảm các khoản phí cho các nhà đầu tư chứng khoán, tạo thêm sức hút tham gia vào thị trường, nhờ đó duy trì và phát triển quy mô thị trường; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tập trung rà soát, trình ban hành sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách, sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế, hiện đại hoá thủ tục hành chính.
“Ngoài ra, Bộ Tài chính đã gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác; tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025; giảm thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay; giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31/12; ban hành 21 thông tư điều chỉnh mức thu phí, lệ phí…”, ông Lê Minh Khiêm, đại diện Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) cho hay.
Các chuyên gia tài chính dự báo: Kinh tế thế giới năm 2021 tiếp tục chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, làm suy giảm dòng vốn đầu tư, thương mại, nguồn nhân lực, các kết nối cung ứng và ảnh hưởng lớn đến tâm lý người tiêu dùng. Điều kiện kinh tế - xã hội trong nước hiện còn nhiều khó khăn, một số lĩnh vực vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 như: Du lịch, hàng không...
Để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, đại diện Bộ Tài chính cho hay: Từ ngày 1/1/2021 đến hết ngày 30/6/2021, có 29 loại phí, lệ phí tiếp tục được giảm với mức giảm từ 50 - 100%.
Nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, dự toán thu ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2020 ước cao hơn 148 - 150.000 tỷ đồng so với số đã đánh giá trước đó. Đến hết ngày 28/12, thu ngân sách ước đạt 1.426 nghìn tỷ đồng, bằng 94,32% dự toán, cao hơn 101,4 nghìn tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội.