Nâng hạng thị trường chứng khoán: 'Nút thắt' lớn nhất sắp được cởi

Để nâng hạng thị trường chứng khoán, các cơ quan quản lý đang tích cực tháo gỡ các “nút thắt” như: “ký quỹ trước giao dịch” với nhà đầu tư nước ngoài; giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (room ngoại); và quyền bình đẳng trong tiếp cận thông tin giữa nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Điều này đang tạo thêm kỳ vọng cho thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được tổ chức xếp hạng FTSE Russel chính thức nâng hạng vào năm 2025, như lộ trình Chính phủ đặt ra. 

Chú thích ảnh
Nhà đầu tư theo dõi diễn biến thị trường chứng khoán tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE). Ảnh: Hứa Chung/TTXVN

Các “nút thắt” lớn sắp được gỡ bỏ

Tại Tọa đàm "Thị trường chứng khoán Việt Nam: Động lực mới, cơ hội mới" do Báo Đầu tư tổ chức ngày 23/7, ông Bùi Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, nâng hạng thị trường chính là giải pháp quan trọng nhất để thúc đẩy mạnh mẽ thị trường chứng khoán phát triển- kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế.

Để hiện thực hóa mục tiêu nâng hạng thị trường vào năm 2025, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ ngành liên quan gỡ “nút thắt” cho việc nâng hạng thị trường. Hiện nay việc chuẩn bị tại các bộ, ngành liên quan đang diễn ra sôi động. Theo đó, Bộ Tài chính, Uỷ Ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), các ngân hàng lưu ký đang tích cực xây dựng các giải pháp; các công ty chứng khoán như SSI, TCBS đang tích cực chuẩn các điều kiện về nhân lực, công nghệ, tài chính cho nâng hạng thị trường chứng khoán.

Đặc biệt, với “nút thắt” lớn nhất là “ký quỹ trước khi giao dịch” (prefunding), Bộ Tài chính hiện đang hoàn thiện Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 120/2020/TT-BTC, Thông tư 119/2020/TT-BTC, Thông tư 121/2020/TT-BTC và Thông tư 96/2020/TT-BTC, trong đó tập trung xử lý vấn đề cho phép nhà đầu tư nước ngoài không cần phải ký quỹ 100% tiền trước khi thực hiện giao dịch mua chứng khoán.

Về “nút thắt” room nước ngoài và quyền tiếp cận bình đẳng thông tin với nhà đầu tư nước ngoài, dự thảo Thông tư mới này cũng tập trung vào nội dung bắt buộc các công ty niêm yết phải công bố thông tin bằng tiếng Anh và tiếng Việt nhằm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận nhanh nhất thông tin trên thị trường chứng khoán.

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước đang triển khai các giải pháp liên quan đến thủ tục mở tài khoản đầu tư vốn gián tiếp cho nhà đầu tư nước ngoài; danh mục ngành nghề đầu tư gắn với room ngoại.

Hiện UBCKNN đã nhận được phản hồi tích cực của các nhà đầu tư lớn nước ngoài có đầu tư vào thị trường Việt Nam, trong đó ghi nhận sự đồng tình với các giải pháp lớn mà Việt Nam đang thực hiện; các tồn tại chủ yếu hiện chỉ là các vấn đề kỹ thuật như mối quan hệ giữa nhà đầu tư nước ngoài với các công ty chứng khoán và các ngân hàng lưu ký, ông Hải cho biết.

Vẫn còn nhiều việc cần làm

Chia sẻ tại Toạ đàm, bà Lê Thị Lệ Hằng, Giám đốc Chiến lược Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI cho biết, bên cạnh các rào cản với thị trường chứng khoán như quy định "prefunding" hay room ngoại, trong những năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng chưa xây dựng được các rổ hàng hoá mới để tạo nên sức hấp dẫn riêng cho nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư ngoại. Điều này dẫn đến hệ luỵ là dù các nhà đầu tư muốn phân bổ nhiều hơn vào thị trường Việt Nam vẫn phải chờ đợi. Hiện số lượng nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ trên thị trường chứng khoán đang chiếm hơn 90%.

Vì vậy, việc nâng hạng thị trường chứng khoán sẽ giúp gia tăng số lượng nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư có quy mô lớn, từ đó, tăng tính chuyên nghiệp và bền vững trong hoạt động đầu tư, giảm thiểu các biến động mạnh của thị trường do bị tác động tâm lý của số lượng lớn nhà đầu tư cá nhân. Việc nâng hạng thị trường chứng khoán không chỉ thu hút thêm lượng vốn từ các quỹ đầu tư thụ động chảy vào thị trường, mà cả nguồn vốn của các quỹ đầu tư chủ động và nhiều nhà đầu tư lớn trên toàn cầu sẽ tham gia vào thị trường vốn của Việt Nam.

Với xu hướng đầu tư hiện nay, những ngành có cơ hội hưởng lợi từ các dòng dịch chuyển đầu tư của thế giới sẽ là các doanh nghiệp hàng tiêu dùng, doanh nghiệp công nghệ. Ngoài ra, các doanh nghiệp liên quan đến đầu tư công cũng sẽ được hưởng lợi và các doanh nghiệp như vật liệu xây dựng, logistics cũng sẽ được “ăn theo”.

Cũng theo bà Hằng, để nâng hạng thị trường, cơ quan quản lý cần có các quy định cụ thể, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trên UPCoM (các doanh nghiệp đã thực hiện đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng-IPO) có thể thuận lợi lên sàn giao dịch chính thức HoSE hoặc HNX. Tuy nhiên, cơ quan quản lý cũng cần có các chế tài mạnh hơn gắn với thời gian cụ thể để buộc các doanh nghiệp ở UPCoM phải lên sàn giao dịch chính thức. Thực tế là chỉ có khoảng 10% các quỹ đầu tư ở Việt Nam là đầu tư vào doanh nghiệp UPCoM.

Đồng tình với quan điểm này, ông Bùi Hoàn Hải thừa nhận hiện quá trình để các doanh nghiệp từ lúc IPO đến lúc lên sàn niêm yết còn mất nhiều thời gian, dẫn tới việc nhà đầu tư không thể giao dịch cổ phiếu ngay, vì vậy không có hiệu quả từ góc độ đầu tư tài chính. Để tháo gỡ vướng mắc này, hiện UBCKNN đang rà soát các quy định chứng khoán để có thể tích hợp quy trình IPO và quy trình niêm yết để hướng tới mục tiêu có thể niêm yết ngay sau khi IPO.

Chia sẻ tại Tọa đàm, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Techcombank (TCBS) cho biết, để thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển trở thành kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế, việc đầu tư mạnh tay cho công nghệ và đa dạng hoá sản phẩm đầu tư là rất quan trọng bởi các nhà đầu tư hiện nay khá trẻ. Thống kê của TCBS từ đầu năm đến nay cho thấy, có tới 56% nhà đầu tư của TCBS là nhà đầu tư dưới 30 tuổi. Đây chính là những nhà đầu tư thạo công nghệ và mạnh dạn trong ra quyết định đầu tư, dám chấp nhận thử thách với các xu hướng đầu tư và sản phẩm đầu tư mới.

Vì vậy, trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp, TBCS đã phát triển các nền tảng ứng dụng công nghệ, không sử dụng môi giới để đưa các thông tin đến với nhà đầu tư nhanh nhất, giúp nhà đầu tư có công cụ tốt nhất để đặt lệnh nhanh nhất, hiệu quả nhất. Theo đó, nhà đầu tư có thể dễ dàng tìm thấy các cơ hội đầu tư, phân bổ tài sản theo các kỳ hạn, tối ưu hoá danh mục đầu tư từ các công cụ backtest (mô phỏng lại giao dịch dựa trên dữ liệu lịch sử, từ đó tìm ra cách hoạt động của chiến lược giao dịch trong tương lai). TBCS cũng đã áp dụng nhiều công nghệ mới cho giới trẻ như: Công nghệ dữ liệu chuỗi (blockchain) cho mảng đầu tư trái phiếu, sử dụng robot adviser (robot tư vấn) để đưa ra gợi ý đầu tư, ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI để đưa ra các gợi ý đầu tư tổng quan với nhà đầu tư trẻ chưa có nhiều nền tảng kiến thức cơ bản. Cùng đó, TCBS cũng phát triển nhiều sản phẩm đầu tư cho giới trẻ như đầu tư phái sinh…

Bà Hằng cũng cho biết, hiện thị trường chứng chỉ quỹ được quản lý bởi các công ty quản lý quỹ tại Việt Nam vẫn rất nhỏ, chỉ chiếm 1% GDP nên tiềm năng đầu tư cực lớn. Vì vậy, việc thu hút đầu tư vào thị trường này cũng là cách để thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển. Ngoài ra, Việt Nam cũng nên thí điểm xây dựng mô hình sandbox (cơ chế thử nghiệm) cho thị trường chứng khoán, trong đó chọn các định chế tài chính, chọn các công ty chứng khoán trung gian có đủ năng lực, các doanh nghiệp tốt, các nhà đầu tư giỏi để tham gia phát triển một số sản phẩm tái cấu trúc trên thị trường chứng khoán. Chỉ bằng cách như vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam mới có thể bắt kịp sự phát triển nhanh của các thị trường khác trong khu vực, bà Hằng chỉ rõ.

Theo thống kê của UBCKNN, trong 24 năm hình thành và phát triển, chỉ từ 2 mã chứng khoán ban đầu, hiện đã có hơn 1.800 mã chứng khoán. Mức vốn hoá thị trường tăng nhanh, với khoảng 300 tỷ USD, bằng 70% GDP và là thị trường có mức vốn hoá được xếp ở vị trí 30-35 trong bảng xếp hạng các thị trường có bước đột phá trên thế giới. Thanh khoản năm 2024 ở mức gần 1 tỷ USD/phiên giao dịch (chưa tính đến khối lượng giao dịch trên thị trường trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp). Trong số 1.800 doanh nghiệp đang niêm yết trên thị trường thì có khoảng 50% doanh nghiệp có nguồn gốc từ doanh nghiệp nhà nước.

Anh Nguyễn (TTXVN)
Thị trường chứng khoán thế giới chao đảo sau sự cố máy tính của Microsoft
Thị trường chứng khoán thế giới chao đảo sau sự cố máy tính của Microsoft

Thị trường chứng khoán châu Á và châu Âu hầu hết giảm điểm trong ngày 19/7 sau sự cố làm gián đoạn hệ thống máy tính toàn cầu. Tâm lý của nhà đầu tư cũng bị ảnh hưởng do những yếu tố bất ổn liên quan đến cuộc bầu cử Mỹ và lo ngại về tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN