Tại Ninh Thuận, tỏi được trồng tập trung chủ yếu ở các huyện Ninh Hải, Thuận Bắc và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. Theo kinh nghiệm của người dân, không phải vùng đất nào cũng có thể trồng được loại tỏi ngon. Chính điều kiện khí hậu cùng chất đất pha cát đặc thù ở các địa phương trên phù hợp cho cây tỏi phát triển.
Bà Trần Thị Bích (xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải) có kinh nghiệm hơn 10 năm trồng tỏi, đồng thời là chủ vựa thu mua hành tỏi ở địa phương cho hay, hành có thể sản xuất nhiều vụ trong năm nhưng riêng tỏi chỉ sản xuất một vụ trong năm, thời gian gieo trồng thường bắt đầu vào khoảng tháng 9 âm lịch hàng năm và thu hoạch vào cuối tháng 12 hoặc tháng 1 âm lịch năm kế tiếp.
Vào thời điểm thu hoạch, sau khi nhổ tỏi lên khỏi mặt đất, người dân xoa bớt lá khô ngoài vỏ rồi phơi trên ruộng hoặc đem về sân phơi. Để cho củ tỏi khô đều, người phơi phải trở tỏi nhiều lần, tiếp tục giũ sạch lá khô, phơi và chà vỏ liên tục cho tróc hết lớp vỏ ngoài đến khi chỉ còn lớp vỏ lụa ngoài bóng mịn, bám vào tép tỏi chắc mẩy mới thành tỏi thương phẩm.
Tỏi Phan Rang phơi khô không cần xử lý bất kỳ hóa chất nào vẫn có thể lưu giữ trong nửa năm, thậm chí có thể để lâu hơn nữa mà vẫn giữ được hương vị ban đầu, củ tỏi không bị thối. Khi ăn, tỏi Phan Rang có vị cay tê đầu lưỡi, mùi thơm cay nồng nhưng không sốc, ít để lại mùi sau khi ăn. Sự khác biệt này giúp tỏi Phan Rang được thị trường đặc biệt ưa chuộng.
Đặc biệt, trong quá trình trồng tỏi, do các tác động môi trường khiến một số cây tỏi phát triển khác cây tỏi bình thường. Cây chỉ cho một củ nhỏ, tròn, không có nhiều tép nhỏ như những củ tỏi khác được gọi là tỏi cô đơn hoặc tỏi mồ côi. Đây là loại tỏi hiếm, ít nên thường có giá bán khá cao, loại tỏi này đang được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn dùng làm quà biếu, chế biến thực phẩm, hoặc ngâm rượu.
Tuy chỉ sản suất một vụ trong năm, nhưng hiệu quả kinh tế từ cây tỏi mang lại khá cao. Theo tính toán, chi phí đầu tư giống, vật tư nông nghiệp từ 25 - 30 triệu đồng/1 sào tỏi/1 vụ. Trong điều kiện thời tiết ổn định, chăm sóc tốt, năng suất tỏi đạt từ 1 đến 1,5 tấn tỏi tươi, tương đương 800 kg - 1 tấn tỏi khô. Với giá bán bình quân như hiện nay khoảng 100.000 đồng/kg tỏi khô, người trồng tỏi có thể lãi khoảng 70 triệu đồng/sào/vụ.
Xác định tỏi là một trong những cây trồng đặc thù của địa phương, tỉnh Ninh Thuận đang tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây tỏi. Trong đó, UBND tỉnh giao Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Thuận phối hợp với các đơn vị nghiên cứu khoa học, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Thái An (huyện Ninh Hải) triển khai đề tài nghiên cứu chọn lựa, phục tráng giống tỏi trên cơ sở trồng so sánh 3 giống tỏi của địa phương, 1 giống tỏi Khánh Hòa, và giống tỏi Lý Sơn (Quảng Ngãi).
Ông Nguyễn Khắc Phòng, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Thái An cho biết: Đơn vị được giao nhiệm vụ trồng khảo nghiệm để đánh giá về khả năng sinh trưởng và phát triển, năng suất và phẩm chất của các giống tỏi. Trong vụ tỏi tới đây, hợp tác xã tiếp tục trồng 0,5 sào tỏi để theo dõi và đánh giá chính xác hơn, làm cơ sở để tuyển chọn giống tỏi cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao; đồng thời, nghiên cứu đưa ra quy trình sản xuất chuẩn cho cây tỏi ở địa phương.
Toàn tỉnh Ninh Thuận hiện có trên 210 ha tỏi, sản phẩm tỏi đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Tỏi Phan Rang”, đây là cơ sở để tỉnh phát triển thương hiệu, uy tín sản phẩm tỏi trên thị trường. Hiện nay, tỏi Phan Rang đang được nhân rộng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm để nâng cao hiệu quả sản xuất cho người dân.