Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào, cho biết đây là xu thế tất yếu trong bối cảnh kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển và toàn cầu hóa, ngành kinh doanh và thương mại theo đó cũng dần thay đổi và tiếp cận với các hình thức thanh toán nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Thực tế chứng minh, hiện nay hầu hết các cửa hàng, trung tâm thương mại, siêu thị hay các trung tâm làm đẹp, bệnh viện… đều trang bị cho mình ít nhất một máy POS hoặc thanh toán bằng mã QR code thông qua các ví điện tử trung gian, thậm chí các đơn vị kinh doanh này chấp nhận chuyển khoản online nếu khách có nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt. Với các tiện ích thanh toán này, doanh số bán hàng của các đơn vị, doanh nghiệp, cửa hàng tư nhân đều tăng đáng kể.
Chuyên gia kinh tế - tài chính Bùi Quang Tín, CEO Trường Doanh nhân Bizlight, điểm lợi của người dùng khi thanh toán qua thẻ là không mất phí, chỉ có đơn vị thanh toán mới chịu khoản phí này. Chính vì vậy, thanh toán kỹ thuật số hiện đang là một phần trong cuộc sống hàng ngày của rất nhiều người tiêu dùng Việt Nam. Theo khảo sát gần đây của Visa, người Việt Nam mang tiền mặt ít hơn và một nửa số người được khảo sát sử dụng phương thức thanh toán bằng thẻ và di động ít nhất hai đến ba lần một tuần. 73% số người được khảo sát trả lời rằng họ đang sử dụng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ, tăng 59% so với năm 2017, trong khi đó 82% người tiêu dùng đã thực hiện giao dịch trên điện thoại di động.
Nghiên cứu cũng ghi nhận thói quen sử dụng các công nghệ thanh toán mới đang trở nên phổ biến, với 44% số người được khảo sát cho biết họ đang sử dụng hình thức thanh toán qua các ứng dụng. Trong khi đó, có 32% đang sử dụng các công nghệ thanh toán không tiếp xúc, cho phép người tiêu dùng chỉ cần chạm thẻ vào thiết bị thanh toán. Ngoài ra, có 19% đã sử dụng hình thức thanh toán bằng mã QR khi người tiêu dùng có thể sử dụng điện thoại quét mã giao dịch để chuyển tiền vào tài khoản của người bán.
Chị Thanh Nguyệt, chủ một của hàng thời trang trong trung tâm thương mại Pearl Plaza (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) thừa nhận: “Nếu cửa hàng không trang bị máy POS hay các hình thức thanh toán kỹ thuật số chắc chắn lượng khách vào xem và có ý định mua nhiều, nhưng lúc thanh toán thì gần như ngần ngại vì đa số họ không đem nhiều tiền mặt. Có lần máy POS bị hư, ngày đó doanh số của cửa hàng giảm đến gần chục triệu. Qua lần đó, cửa hàng phải trang bị thêm hai máy POS của các ngân hàng khác để đề phòng”.
Mặc dù số lượng giao dịch không dùng tiền mặt tại Việt Nam ngày càng tăng với nhiều hình thức thanh toán đa dạng, phong phú, nhưng theo Ðề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 của Chính Phủ, Việt Nam vẫn khó hoàn thành mục tiêu giảm tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán, thấp hơn 10% vào cuối năm 2020.
Theo thống kê của Ngân hàng thế giới (WB), Việt Nam có lượng giao dịch phi tiền mặt chỉ đạt 4,9%, thấp nhất trong khu vực. Trong khi đó, Trung Quốc là 26,1%, Thái Lan là 59,7% và Malaysia là 89%. Khảo sát nhóm người tiêu dùng thành thị gần đây nhất của bộ phận FT Confidential Research cũng cho thấy, Việt Nam đang chậm chân trong việc chấp nhận thanh toán phi tiền mặt trong khối ASEAN 5 và có khả năng vẫn như vậy.
Lý giải nguyên nhân này, ông Đào Minh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank, Chủ tịch Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam cho biết mặc dù 40% dân số Việt Nam hiện đã có tài khoản ngân hàng, nhưng vẫn có tới 90% chi tiêu hằng ngày sử dụng tiền mặt và 99% sử dụng tiền mặt khi thanh toán các mặt hàng dưới 100.000 đồng. Điều này cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam vẫn coi trọng sử dụng tiền mặt bởi những phương thức thanh toán này rất nhanh, thuận tiện, không phức tạp và được chấp nhận ở mọi nơi. Ngoài ra, phương pháp thanh toán này giúp họ quản lý ngân sách mà không có chi phí phát sinh, đảm bảo an toàn, riêng tư bởi nó không để lại dấu vết của giao dịch và không lộ thông tin cá nhân.
Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt theo Đề án của Chính phủ, bà Dung cho biết, công ty đang tập trung vào việc chuyển đổi công nghệ thanh toán kỹ thuật số tại Việt Nam với nhiều hoạt động từ năm 2012 đến nay. Mục tiêu của công ty là cùng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong lộ trình chuyển đổi số năm 2020. Cụ thể, công ty đang dần thực hiện hỗ trợ người dùng Việt Nam có thể dễ dàng thực hiện thanh toán trực tuyến các dịch vụ điện, nước, sinh hoạt phí nhằm chuyển dịch từ hành vi thanh toán tiền mặt sang việc thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, công ty đang nghiên cứu và thực hiện lộ trình tăng cường bảo mật thanh toán cho người tiêu dùng tại thị trường Việt Nam. Theo kế hoạch trong năm 2019, công ty sẽ thực hiện việc trao quyền bảo mật cho người dùng, giúp họ có thể dễ dàng tự quản lý chi tiêu, hỗ trợ hạn mức tiêu dùng hàng ngày theo tiêu chí định sẵn do người dùng cài đặt.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định ngoài các giải pháp trên, các ngân hàng cũng cần đồng bộ các công nghệ và giải pháp thanh toán mới, tăng tính tiện ích, mở rộng việc áp dụng thanh toán phi tiền mặt từ những nơi bán hàng nhỏ lẻ đến các vùng nông thôn, miền núi. Ngoài ra, để tạo thuận lợi cho việc hợp tác xuyên suốt giữa các bên, thúc đẩy thanh toán phi tiền mặt, Việt Nam cần có chính sách cụ thể, hoàn thiện giải pháp trao đổi thông tin dữ liệu giữa các cơ quan trong lĩnh vực tài chính, triển khai việc thanh toán giao thông công cộng qua dịch vụ thẻ và nhanh chóng thiết lập mã QR chuẩn cho thị trường Việt Nam.
Ngoài ra, chuyên gia Bùi Quang Tín cũng cho rằng, các ngân hàng cũng nên giảm các khoản phí nộp tiền mặt vào thẻ và chuyển tiền từ thẻ sang thẻ trên các ứng dụng internet banking, mobile banking. Có như vậy, khách hàng mới tin tưởng, từ đó thay đổi nhận thức trong vấn đề thanh toán tiền mặt. Bởi hiện nay, các ngân hàng đang thu phí nộp tiền mặt vào tài khoản cùng ngân hàng nhưng khác hệ thống từ 2.200 đồng đến 11.000 đồng/lần giao dịch, nếu khác ngân hàng phí thậm chí lên đến hơn 30.000 đồng/giao dịch. Với phí chuyển khoản qua thẻ, chỉ có một số ngân hàng như Techcombank, VPBank... mới không áp dụng phí, dù cùng hệ thống hay khác ngân hàng, một số ngân hàng khác chỉ tính phí chuyển khoản khác ngân hàng. Còn hầu như các ngân hàng còn lại đều áp dụng phí chuyển khoản qua thẻ từ 2.200 đến 11.000 đồng/lần giao dịch, tuỳ cùng hệ thống ngân hàng hay khác ngân hàng và số tiền từ vài triệu đến hơn 10 triệu đồng.