Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có công văn yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giảm chi phí để có điều kiện giảm lãi suất, hỗ trợ khách hàng vay trước những ảnh hưởng dịch COVID-19.
Theo ông Lê Nhung, Giám đốc Công ty TNHH May mặc Thành Đạt, từ khi xảy ra dịch COVID-19, may mặc là một trong những ngành sản xuất chịu ảnh hưởng nặng nề do gián đoạn nguồn cung nguyên phụ liệu và thời gian, nhiều thị trường xuất khẩu chính như: Mỹ, EU đóng cửa biên giới, hoãn hủy đơn hàng. Chủ trương chung là giảm lãi vay nhưng doanh nghiệp tiếp cận ngân hàng rất khó để vay với lãi suất thấp. Để vay vốn sản xuất, ngân hàng yêu cầu phải kê khai doanh số, dòng tiền nhưng thời điểm doanh nghiệp cần vay vốn thì không xác định được doanh số nên không đáp ứng được điều kiện vay.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Công ty TNHH Cao su Đức Minh cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, hầu hết ngân hàng đã hạ mặt bằng lãi suất cho vay theo chủ trương chung của Chính phủ, NHNN. Tuy nhiên mức giảm mới xoay quanh dưới 1%, rất ít ngân hàng giảm ở mức 2% như công bố. Các doanh nghiệp mong muốn ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh cũng như có chính sách giãn nợ, khoanh nợ cho các khoản vay đã đầu tư vào sản xuất nhưng chưa thu hồi được công nợ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sau thời gian khó khăn do dịch bệnh.
Để chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp và người dân, đặc biệt tại Bắc Giang và Bắc Ninh đang có ca nhiễm COVID-19 tăng kỷ lục, lây lan nhanh từ các khu công nghiệp, Vietcombank đã giảm đồng loạt lãi suất tiền vay và phí đối với khách hàng tại Bắc Giang và Bắc Ninh trong thời gian 3 tháng từ nay đến hết ngày 31/8.
Cụ thể: Giảm lãi suất cho vay tới 1,0%/năm đối với VND và tới 0,5%/năm đối với ngoại tệ cho toàn bộ dư nợ vay hiện hữu và cho vay mới của doanh nghiệp và người dân tại Bắc Giang và Bắc Ninh (đối tượng giảm lãi suất không gồm các khoản dư nợ đang được áp dụng chính sách ưu đãi lãi suất của Vietcombank); giảm phí lên đến 50% đối với khách hàng doanh nghiệp và miễn các loại phí cơ bản (gói tài khoản, phí rút tiền…) đối với khách hàng cá nhân.
Từ tháng 6/2021, ABBank triển khai đồng thời 2 chương trình ưu đãi "Vay ưu đãi - Lãi an tâm" với lãi suất từ 7,2%/năm và "Vay kinh doanh – Phát tài nhanh" với lãi suất từ 7%/năm dành cho khách hàng cá nhân có nhu cầu vay vốn. Gói cho vay để kinh doanh có hạn mức giải ngân lên đến 8.000 tỷ đồng. Mức lãi suất ưu đãi của gói vay này từ 7 - 7,5%/năm.
“Việc tận dụng được các gói vay có chính sách lãi suất ưu đãi tốt của các ngân hàng sẽ góp phần làm nhẹ bớt gánh nặng tài chính cho khách hàng, đặc biệt là trong thời điểm kinh tế đang vẫn chịu nhiều khó khăn bởi dịch COVID-19. Cả hai gói hỗ trợ được ABBank áp dụng đến hết ngày 30/10 hoặc đến khi hết hạn mức ưu đãi”, ông Nguyễn Khánh Phúc, Giám đốc Khối Khách hàng cá nhân của ABBank cho biết.
Để hỗ trợ cho khách hàng cá nhân, BIDV vừa giảm lãi vay trung dài hạn giảm đến 0,6%/năm so với đầu năm và giảm đến 1%/năm so với cùng kỳ năm 2020. Theo đó, gói vay vốn trung dài hạn mới 2021 mang tên “Đồng hành, Vươn xa” của BIDV có quy mô 50.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân áp dụng trong các trường hợp linh hoạt. Trong đó, đối với khách hàng vay tiêu dùng, lãi suất giảm chỉ còn từ 6,6%/năm trong 06 tháng đầu tiên hoặc từ 7,2%/năm áp dụng trong 12 tháng đầu tiên.
Đề cập về tình hình lãi suất từ nay tới cuối năm, đại diện Bộ phận Phân tích & Tư vấn đầu tư SSI dự báo: Mặt bằng lãi suất sẽ giữ ổn định ở mức thấp trong ngắn hạn do dịch bệnh làm giảm cầu tín dụng, nhưng có thể nhích tăng từ đầu quý III/2021. “Chúng tôi kỳ vọng lãi suất sẽ vẫn được giữ ở mức thấp trong 6 tháng đầu năm 2021, để hỗ trợ các doanh nghiệp có thể phục hồi nhanh hơn trong bối cảnh dịch COVID-19 đang bùng phát trở lại. Nhưng mặt bằng lãi suất dự báo sẽ có sự nhích lên từ nay tới cuối năm”, chuyên gia Công ty Chứng khoán Tân Việt cho biết.
Theo Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS), NHNN duy trì định hướng tăng trưởng tín dụng chung cho năm 2021 là 12%, tăng trưởng hợp lý với nâng cao chất lượng tín dụng gắn với hoạt động sản xuất kinh doanh, kiểm soát đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
“Giai đoạn này, thông điệp NHNN tiếp tục thể hiện sự nhất quán, kiểm soát chặt chẽ tín dụng chảy vào hoạt động kinh doanh, đầu cơ bất động sản và định hướng chung vẫn là duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh. Chính sách điều hành ổn định ít biến động trong giai đoạn này được xem là điểm sáng. Phía VCBS dự báo: Lãi suất huy động có thể ổn định trong thời gian tới; mặt bằng lãi suất cho vay sẽ còn dư địa giảm thêm trong bối cảnh lãi suất huy động đã giảm mạnh trong khoảng 1 năm trở lại đây.