Hiện lãi suất mới bắt đầu giảm ở một vài ngân hàng lớn nhưng nhiều ý kiến cho rằng, xu hướng giảm lãi suất huy động có thể tiếp tục lan rộng hơn trong thời gian tới. Giới tài chính nhận định, động thái giảm lãi suất huy động sẽ là tiền đề để các ngân hàng giảm giá vốn đầu vào, có cơ hội giảm thấp hơn lãi suất cho vay doanh nghiệp để kích thích tăng trưởng kinh tế.
So với tháng 1/2020, Techcombank đã giảm lãi suất từ 0,05 - 0,2 điểm phần trăm ở hầu hết các kỳ hạn, lãi suất kỳ hạn từ 1 - 5 tháng là 4,25 - 4,75%/năm, kỳ hạn 6 tháng là 6,2 - 6,7%/năm, kỳ hạn 1 năm là 6,3 - 6,8%/năm...VPBank cũng giảm 0,1 - 0,3 điểm phần trăm lãi suất ở các kỳ hạn 6 tháng trở lên. Tương tự, ACB điều chỉnh lãi suất tiết kiệm ở các kỳ hạn 6 tháng, 9 tháng và 12 tháng, với mức niêm yết lần lượt ở mức 6,3 - 6,6%, 6,4 - 6,7% và 6,8 - 7,1%/năm, giảm 0,2 điểm phần trăm so với biểu lãi suất mà ngân hàng này niêm yết trong tháng 1/2020...
Nhìn chung, lãi suất huy động tiền gửi kỳ hạn 6 tháng của nhiều ngân hàng hiện khoảng 7%; trên 12 tháng có mức lãi suất dao động từ 7,5 - 8%, thấp hơn năm 2019, nhưng vẫn được nhiều khách hàng đánh giá là mức chấp nhận được đối với người gửi tiền.
"Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh trên nhiều lĩnh vực, khiến nhiều khách hàng chưa có nhu cầu vay vốn, trong khi tiền gửi tiền vào hệ thống ngân hàng gia tăng. Vì vậy, xu hướng giảm lãi suất huy động vốn sẽ tiếp tục diễn ra tại nhiều ngân hàng trong thời gian tới”, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank chia sẻ.
Trước đó, chuyên gia ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu dự báo: Mặt bằng lãi suất thời gian tới có thể giảm sau một loạt động thái giảm lãi suất điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đặc biệt là quy định hạ trần lãi suất huy động ngắn hạn xuống mức 5%/năm.
Về vấn đề này, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định: Các NHTM không được tăng lãi suất, kể cả lãi suất huy động. Trong trường hợp cần thiết, NHNN sẽ có điều chỉnh để gián tiếp hỗ trợ các ngân hàng thương mại giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Hưởng ứng chủ trương này, từ ngày 11/2 đến hết 30/4, Vietcombank thông báo sẽ giảm lãi suất cho khách hàng. Đối tượng được hỗ trợ là các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực vận tải kho bãi; dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn; thực phẩm và đồ uống có cồn; xuất nhập khẩu sang thị trường Trung Quốc (nông, thủy sản, dệt may, da giày…). Cụ thể, Viecombank sẽ cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giãn thời hạn trả nợ, không tính lãi suất phạt quá hạn; giảm 1%/năm đối với dư nợ vay VND ngắn hạn; giảm 1,5%/năm đối với dư nợ vay VND trung, dài hạn; giảm lãi suất 0,5%/năm đối với dư nợ vay USD ngắn hạn; giảm 0,75%/năm đối với dư nợ vay USD trung, dài hạn; cho vay mới với lãi suất ưu đãi giảm tối đa tới 1%/năm đối với VND và 0,5%/năm đối với USD cho các khách hàng thuộc các lĩnh vực trên nếu đáp ứng điều kiện vay vốn của Vietcombank.
Kienlongbank đang giảm lãi vay 3%/năm đối với các khách hàng vay vốn để trồng các loại cây ăn quả như: Thanh long, dưa hấu, sầu riêng, mít, xoài, chôm chôm, chuối... đã nhận cấp vốn tín dụng của Kienlongbank thời gian qua; đồng thời, hỗ trợ khách hàng giảm lãi vay, miễn tiền phạt quá hạn, nhằm giúp khách hàng có điều kiện khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh.
Còn đại diện VPBank cho hay, ngân hàng giảm lãi suất cho vay tới 1,5%/năm đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh do virus Corona. Tương tự, ABBank sẽ dành 4.000 tỷ đồng để bố trí nguồn vốn chi phí thấp, ưu đãi lãi suất cho vay để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng và xem xét ưu đãi lãi suất thấp hơn từ 1,5 - 2%/năm so với lãi suất cho vay ngắn hạn thông thường, thấp hơn từ 3%/năm với cho vay trung, dài hạn...