Đồng thời, những thành quả công nghệ đáng kinh ngạc của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã cho ra đời các phương thức thanh toán mới giúp hoạt động giao dịch trở nên nhanh chóng, dễ dàng hơn.
Trải nghiệm công nghệ 4.0
Chỉ mất vài giây từ lúc đưa chiếc điện thoại thông minh lên quét mã QR rồi chạm vân tay để xác nhận thanh toán, chị Kim Liên, một nhân viên văn phòng sống tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã hoàn tất việc mua sắm tại một cửa hàng tiện ích.
"Nếu như trước đây dùng tiền mặt để chi trả hóa đơn thì tôi sẽ mất khá nhiều thời gian cho việc rút tiền ra, rồi kiểm đếm, thanh toán và chờ trả lại. Cũng có khi tôi quẹt thẻ ngân hàng nhưng nguy cơ bị đánh cắp thông tin thẻ qua các máy POS vẫn tồn tại. Trong khi đó, quét mã QR lại nhanh, tiện lợi và an toàn hơn nhiều", chị Kim Liên so sánh.
Tuy đây chỉ là một ví dụ nhỏ nhưng thanh toán bằng cách quét mã QR hay các sản phẩm thanh toán không tiếp xúc như Samsung Pay, Apple Pay, thanh toán qua các ví điện tử Momo, Zalopay, Airpay, Ví Việt… đang dần trở nên phổ biến hơn với người dân, đặc biệt với giới trẻ yêu thích công nghệ và sử dụng điện thoại thông minh.
Phổ biến tại Việt Nam chỉ trong khoảng 2 năm trở lại đây, nhưng thanh toán bằng cách quét mã QR (chữ viết tắt của “Quick response code” - tạm dịch là mã phản hồi nhanh hay còn gọi là mã vạch ma trận) được đánh giá là một trong những giải pháp thanh toán di động thông minh sẽ từng bước thay thế cho các phương thức thanh toán truyền thống.
Bởi người dùng có thể sử dụng ngay chiếc điện thoại di động của mình để làm phương tiện thanh toán mà không cần mang thêm thẻ ATM, không phát sinh chi phí về thẻ, người bán không cần đặt máy POS, Ngân hàng Nhà nước giảm được chi phí trong việc sử dụng và lưu thông tiền mặt và khách hàng hạn chế được sai sót khi thanh toán.
"Nếu như trước đây, mỗi lần ra ngoài phải mang theo cả túi, ví.. lỉnh kỉnh thì nay tôi chỉ cần cầm chiếc smartphone của mình đi là đủ. Thanh toán các hóa đơn mua hàng trực tuyến rồi đi mua sắm tại các cửa hàng tiện ích hoặc các siêu thị, nhà hàng ăn uống... tôi đều sử dụng hình thức quét mã QR này", chị Kim Liên chia sẻ.
Phần lớn các ngân hàng như Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank)... đều đã tích hợp giải pháp thanh toán qua mã QR (QR Pay) trên ứng dụng di động (Mobile Banking) của mình.
Với giải pháp mã QR khi mua sắm trên các website người dùng không phải nhập user và mật khẩu của internet banking hoặc không phải nhập thông tin thẻ trên các cổng thanh toán như các giải pháp thanh toán trực tuyến hiện nay nên giảm thiểu được rủi ro bị đánh cắp mật khẩu và thông tin thẻ.
Là một trong những ngân hàng tiên phong trong việc ứng dụng QR Pay, ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng giám đốc VietinBank cho biết khách hàng của VietinBank có thể dùng mã QR để thanh toán nhiều loại dịch vụ khác nhau, từ chuyển khoản, cước viễn thông, điện, nước cho tới phí dịch vụ chung cư, bảo hiểm, hay trả nợ vay tiêu dùng, giải trí, mua sắm…
Với những ưu điểm vượt trội của mã QR, ông Lân đánh giá QR Pay đang có tiềm năng rất lớn tại Việt Nam với dân số trẻ, thích ứng nhanh với công nghệ và đặc biệt quá nửa người dân đang sử dụng smartphone.
Xuất hiện khá sớm trên thị trường từ nửa cuối năm 2016, Ví Việt - một sản phẩm dịch vụ của ngân hàng LienVietPostBank hiện đã đạt 2,3 triệu người dùng và hơn 20 ngàn điểm chấp nhận thanh toán trải rộng khắp 63 tỉnh thành.
Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cho biết với ví điện tử, người dùng có thể dễ dàng thanh toán hóa đơn, mua sắm trực tuyến, trả tiền hàng hóa, dịch vụ, nạp tiền điện thoại, chuyển tiền, nhận tiền. Trong đó với Ví Việt, người sử dụng có thể thực hiện các dịch vụ ngân hàng online như: Gửi tiền tiết kiệm, truy vấn, sao kê tài khoản, tất toán sổ tiết kiệm, vay tiêu dùng cá nhân và nhiều dịch vụ tiện ích khác của ngân hàng.
Có thể nhận thấy sự chuyển dịch của làn sóng Fintech (công ty công nghệ tài chính) trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với nỗ lực đột phá của các ngân hàng trong việc ứng dụng các giải pháp công nghệ hiện đại và bảo mật như xác thực vân tay, sinh trắc học, thanh toán phi tiếp xúc... đang ngày càng mang đến cho khách hàng nhiều lựa chọn trong thanh toán.
Sẵn sàng hợp tác
Việc các công ty công nghệ dựa trên nền tảng công nghệ để cung cấp dịch vụ tài chính, vốn thuần túy là của riêng ngân hàng, đặt ra mối lo về sự cạnh tranh khốc liệt giữa hai nhóm đối tượng này. Tuy nhiên, theo khảo sát của các chuyên gia năm 2017, có tới 91% các ngân hàng và 75% Fintech mong muốn đẩy mạnh hợp tác với nhau.
Điều này không khó để lí giải. Bởi nếu như ngân hàng sở hữu thế mạnh về mạng lưới, uy tín, sản phẩm đa dạng… thì Fintech lại mang tính chất là startup - sáng tạo và năng động - đặc biệt trong việc cải tạo, cập nhật công nghệ mới, đem lại trải nghiệm tốt hơn cho người dùng. Bên cạnh đó, các dịch vụ do Fintech cung cấp có quy trình linh hoạt hơn, không cứng nhắc như ngân hàng….
Nhưng đổi lại, cũng chính vì là startup nên Fintech thiếu đi sự ổn định, không được sự hỗ trợ về tính tuân thủ pháp lý, các quy định về an toàn tiền tệ, phòng chống rửa tiền… nên khó tạo được sự tin tưởng, uy tín thương hiệu cho các hoạt động tài chính.
Do đó, xu hướng kết hợp hai bên lại với nhau là nhằm tận dụng những thế mạnh sẵn có và mang lại lợi ích cho cả hai bên.
Hiện ở Việt Nam có rất nhiều ngân hàng như Vietcombank, VietinBank, BIDV, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) đã liên kết với Ví MoMo để phát triển ví điện tử, VPBank hợp tác với Fintech thành lập không gian làm việc UP@VPBank, VietinBank dự kiến thành lập Finlab…
Theo Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, sự kết hợp giữa ngân hàng với Fintech sẽ làm mới mô hình ngân hàng trực tuyến, chuyển đổi sản phẩm ngân hàng truyền thống, ứng dụng đơn năng sang sản phẩm số hóa, đa tính năng và phát triển sản phẩm số hóa để đáp ứng yêu cầu khách hàng, hỗ trợ thương mại điện tử.
Khẳng định VietinBank sẵn sàng hợp tác với Fintech, ông Trần Công Quỳnh Lân cho biết ngân hàng này hiện đang phối hợp với 7 công ty công nghệ trong các lĩnh vực khác nhau nhằm đưa ra các sản phẩm mang yếu tố công nghệ và tài chính ngân hàng để phục vụ khách hàng. Mục tiêu của ngân hàng là sẽ cung cấp những gói sản phẩm bao gồm sản phẩm tài chính đính kèm sản phẩm công nghệ cho những khách hàng ở nhiều lĩnh vực khác nhau bởi doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực đều cần công nghệ.
Tuy nhiên theo ông Lân, nhiều quy định, thủ tục liên quan đến pháp luật hay những rủi ro khi đầu tư vào Fintech đang đặt ra thách thức với các ngân hàng trong việc hợp tác này.
Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, TS Cấn Văn Lực nhận định: “Thanh toán điện tử, thanh toán phi tiếp xúc đang thành xu thế, gắn với công nghệ phát triển mạnh và ngày một phức tạp hơn, đặt ra thách thức, yêu cầu về quản lý (quản lý tiền kỹ thuật số, ví điện tử, giao dịch thanh toán xuyên biên giới, cận biên giới..). Tất cả những điều này đòi hỏi cơ quan quản lý phải sớm hoàn thiện kế hoạch tổng thể về thanh toán điện tử, đặc biệt về con người, cơ sở dữ liệu cá nhân quốc gia, để dùng các dịch vụ thanh toán thông minh đi kèm”.
Định hướng đến năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trong thanh toán giảm xuống mức dưới 10%; trong đó ít nhất 70% các nhà cung cấp nước, điện tử và dịch vụ viễn thông sẽ chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt từ các cá nhân và hộ gia đình. Để đáp ứng nhu cầu này, thanh toán điện tử, thanh toán di động được kỳ vọng sẽ tăng trưởng rất nhanh, đặc biệt là những tiện ích thanh toán ưu việt.
Bài cuối: Lấp đầy khoảng trống chính sách