Ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cứu doanh nghiệp, tín dụng khởi sắc dần

Nhằm tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay có chi phí hợp lý trong bối cảnh khó khăn để thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế, một số ngân hàng đã giảm mạnh lãi suất cho vay để kích thích nhu cầu tín dụng.

Chú thích ảnh
Dây chuyền chế biến cá ngừ đại dương xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định. Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN.

Theo đó, kể từ tháng 7/2020, BIDV giảm lãi suất cho vay thêm 0,5%/năm so với lãi suất hiện hành. Kể từ đầu năm đến nay, BIDV đã 3 lần giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng với mức giảm từ 2,5% - 3,0%/năm so với thời điểm truớc dịch COVID-19.

Để hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, BIDV là một trong các ngân hàng đầu tiên ban hành gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ khách hàng với quy mô lên đến 93.000 tỷ đồng. Đến nay, doanh số giải ngân gói tín dụng hỗ trợ này đã đạt trên 70.000 tỷ đồng cho 5.400 khách hàng với mức lãi suất đang áp dụng giảm 2,0%/năm so với lãi suất trước thời điểm dịch.

Mới đây nhất, BIDV đã ra mắt 5 gói tài khoản được thiết kế riêng như: “Gói tài khoản sinh viên” nhằm hỗ trợ cho các học sinh, sinh viên chuyên tâm học tập; “Gói tài khoản nhận lương” hỗ trợ nhân viên văn phòng, công nhân, người lao động nói chung có nhu cầu mở tài khoản; “Gói tài khoản doanh nhân - kinh doanh phát lộc”; “Gói tài khoản hưu trí - an tâm lĩnh lãi”. Khách hàng đăng ký “Gói tài khoản hưu trí” được hưởng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao hơn 0.2%/năm khi gửi tiền từ 6 tháng trở lên; “Gói tài khoản B-Free” - miễn phí chuyển tiền. 

VietinBank cũng vừa giảm tiếp lãi suất từ 0,2 - 0,5%/năm các gói tín dụng ưu đãi. VietinBank đã gia hạn gói tín dụng hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19, tiếp tục triển khai các chương trình tín dụng không giới hạn quy mô như: “Đồng hành cùng khách hàng doanh nghiệp”, “Ưu đãi lãi suất cho vay cố định”, “Vay ưu đãi lãi tri ân dành cho khách hàng bán lẻ”...

Trong quý III/2020, VietinBank đã triển khai gói ưu đãi lãi suất với quy mô 60.000 tỷ đồng và 600 triệu USD, trong đó lãi suất cho vay từ 4,3%/năm đối với Việt Nam đồng và 2,0%/năm đối với USD (giảm tiếp 0,2 - 0,5%/năm so với gói ưu đãi lãi suất quý II/2020).

Nhằm hỗ trợ cộng đồng các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tận dụng nguồn vốn, tiết kiệm ngân sách và giản lược quy trình vận hành trong giai đoạn hậu COVID-19, từ nay đến hết ngày 31/12, VPBank triển khai loạt giải pháp tối ưu dòng tiền cùng nhiều ưu đãi đi kèm.

Cụ thể, VPBank sẽ miễn 100% phí chuyển khoản trực tuyến liên ngân hàng cho tất cả các doanh nghiệp SME. Bất kỳ doanh nghiệp mới hoặc doanh nghiệp hiện hữu chưa sử dụng Internet Banking chỉ cần đăng ký sử dụng dịch vụ sẽ hưởng ngay ưu đãi mà không cần bất cứ điều kiện nào. 

Theo VPBank, dịch vụ “Chi lương Doanh nghiệp” cũng là ưu đãi tâm điểm giúp doanh nghiệp giảm áp lực chi phí vận hành mỗi tháng, bớt nỗi lo về chính sách nhân sự thời kinh tế khó khăn để tập trung ổn định kinh doanh sản xuất. Hiện dịch vụ chi lương của VPBank đã tiếp sức khoảng 1.000 doanh nghiệp SME cùng gần 100.000 cán bộ nhân viên trong thời gian dịch bệnh vừa qua.

Trước đó tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết: Tính đến ngày 29/6, tín dụng tăng 3,26% - mức tăng khá mạnh bắt đầu từ tháng 5/2020 trở lại đây, trong khi dự trữ ngoại hối cao nhất từ trước tới nay. Hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục cam kết cung ứng đầy đủ, kịp thời nguồn vốn cho nền kinh tế; các khoản nợ cho vay mới sau thời điểm Thủ tướng Chính phủ công bố dịch COVID-19 ngày 23/1 cũng sẽ được xem xét để cho phép cơ cấu lại.

Đối với các giải pháp về lãi suất, trong 6 tháng đầu năm, NHNN đã 2 lần liên tục giảm lãi suất điều hành ở mức rất mạnh là 1,5%; kết hợp với đó là chỉ đạo rất kiên quyết các tổ chức tín dụng (TCTD) tiết giảm chi phí, giảm lợi nhuận cũng như giảm lương thưởng để giảm lãi suất cho vay. Do vậy, hiện nay mặt bằng lãi suất cho vay đối với nền kinh tế kể cả các khoản vay hiện hữu cũng như các khoản cho vay mới đã được giảm khá mạnh.

Theo lãnh đạo NHNN, mặc dù nhu cầu tín dụng thời gian qua khá yếu nhưng đến nay tín dụng đã tăng trở lại. Đến ngày 29/6 tín dụng tăng 3,26%, là mức tăng khá mạnh bắt đầu từ tháng 5/2020 trở lại đây. Trước đó, tháng 3/2020 tín dụng mới tăng khoảng 1,13%; tháng 4 tăng 0,12% nhưng đến tháng 5/2020 đã tăng lại 0,53% và đến 29/6 thì mức tăng so với tháng 5/2020 là 1,28%.

NHNN đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN với các giải pháp rất đột phá về cơ cấu lại nợ, không chuyển nhóm nợ, và trong thời gian cơ cấu lại nợ thì khách hàng vay vốn không phải trả nợ gốc và lãi đến hạn, được miễn giảm lãi và phí cũng như giảm lãi suất.

Thống đốc Lê Minh Hưng cho hay: Tính đến nay, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng gần 260.000 khách hàng với dư nợ xấp xỉ 180.000 tỷ đồng; miễn giảm và hạ lãi suất cho khoảng 421.000 khách hàng, với dư nợ xấp xỉ 1,3 triệu tỷ đồng; cho vay mới khoảng 1,1 triệu tỷ đồng cho xấp xỉ 240.000 khách hàng, lãi suất thấp hơn từ 0,5 - 2,5%/năm so với trước dịch.

Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD triệt để tiết giảm chi phí và giảm lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay, cũng như đảm bảo an toàn, chất lượng hoạt động của hệ thống các TCTD.

Vừa qua, qua làm việc với các địa phương và lắng nghe các kiến nghị, cũng như kiến nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, NHNN sẽ xem xét sớm sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN theo hướng gia hạn thời gian cơ cấu lại nợ cho đến cuối năm 2020 cũng như các khoản nợ cho vay mới sau thời điểm Thủ tướng công bố dịch 23/1 cũng sẽ được xem xét để cho phép cơ cấu lại.

“NHNN sẵn sàng tăng hạn mức tín dụng cho các TCTD từ nay đến cuối năm để hỗ trợ tăng trưởng. Trong tường hợp cần thiết theo chỉ đạo của Chính phủ, sẽ có các giải pháp mạnh hơn về chính sách tiền tệ như tái cấp vốn cho các dự án công trình có tác động lan toả để hỗ trợ cho các khu vực kinh tế trọng điểm, cũng như hỗ trợ tăng trưởng từ nay đến cuối năm”, Thống đốc Lê Minh Hưng nói.

 

Minh Phương/Báo Tin tức
Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm lãi suất điều hành khi có điều kiện
Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm lãi suất điều hành khi có điều kiện

Từ tháng 6/2020, một số ngân hàng thương mại (NHTM) đã mạnh tay giảm lãi suất huy động để “cứu” doanh nghiệp. Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng, NHNN sẽ điều chỉnh giảm lãi suất điều hành dựa trên bối cảnh kinh tế chung, đặc biệt là lạm phát.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN