Ông Dũng cho biết, giai đoạn đầu phát triển thị trường chứng khoán thực sự khó khăn và vất vả, nhưng khi có định hướng, sự chuẩn bị tốt và vượt qua được khó khăn thì giai đoạn sau thị trường phát triển thuận lợi. Để có được thị trường chứng khoán như hôm nay là sự quyết tâm, lòng dũng cảm của các thế hệ lãnh đạo đi trước.
Hai mươi năm qua, thị trường chứng khoán cũng có những lúc thăng, lúc trầm, có cả những thành công và những bài học mà cơ quan quản lý thị trường coi là “vốn” cho giai đoạn phát triển tiếp theo.
Trải qua 20 năm, nhận thức của xã hội đối với chứng khoán và thị trường chứng khoán đã tiến bộ rất nhiều.
“Thời kỳ đầu xây dựng thị trường chứng khoán, trong các văn bản chúng tôi rất ngại dùng từ như là môi giới, hay đầu cơ chứng khoán vì xã hội cho là không tốt lắm. Bây giờ thì đầu cơ là từ quen thuộc, vì đầu cơ cũng có ý nghĩa tốt”.
"Thực tế, giai đoạn đầu rất nhiều công ty chứng khoán được thành lập, nhưng thậm chí có những chủ công ty chứng khoán không biết thành lập rồi sau này phát triển ra sao. Chúng ta cũng đã chứng kiến nhiều công ty chứng khoán, nhiều công ty quản lý quỹ không thể hoạt động nổi", ông Dũng tâm sự.
Theo ông Dũng, hiện nay chất lượng dịch vụ của các công ty chứng khoán hàng đầu đã tốt hơn rất nhiều. Rõ ràng, nhận thức của cả cơ quan quản lý, nhà đầu tư, doanh nghiệp và xã hội về thị trường chứng khoán đã tốt lên. Cơ sở pháp lý cũng hoàn chỉnh, hiệu quả, chặt chẽ hơn.
Ông Dũng cho rằng, đến giai đoạn hiện nay, với nhận thức của xã hội và nhận thức của doanh nghiệp lớn lên thì cơ quan quản lý cần tập trung vào những điểm lớn hơn như là chất lượng quản trị doanh nghiệp, trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội.
Theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, doanh nghiệp lên sàn sẽ thúc đẩy sự công khai, minh bạch và quản trị doanh nghiệp tốt hơn. Quản trị doanh nghiệp tốt giúp doanh nghiệp có nhiều ý tưởng kinh doanh tốt hơn và khi doanh nghiệp gặp sóng gió thì khả năng chống chịu cũng tốt hơn.
Nói về vấn đề thu hút vốn ngoại, ông Dũng cho biết, tư tưởng của cơ quan quản lý là tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Cơ quan quản lý mong muốn nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư dài hạn, có các quỹ đầu tư lớn tham gia thị trường.
"Nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia quản trị doanh nghiệp, điều mà chúng ta đang rất cần là kỹ năng quản trị doanh nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, cơ quan quản lý cũng phải kiểm tra, rà soát nếu như dòng vốn vào quá “nóng” hoặc là những dòng vốn có nguồn gốc không rõ ràng", Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chia sẻ.
Người đứng đầu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng cho biết, nhiệm vụ trọng tâm trong những năm tới là đưa hệ thống công nghệ thông tin mới vào vận hành trong năm 2021, trên cơ sở đó mở đường cho triển khai một loạt sản phẩm, dịch vụ mới như bán chứng khoán chờ về, mua bán chứng khoán trong ngày, triển khai mô hình Đối tác thanh toán bù trừ trung tâm (CCP)…
Để cải thiện khả năng hút vốn ngoại cho thị trường chứng khoán Việt Nam, Chính phủ yêu cầu ngành chứng khoán phải thành công trong các bước cải cách nhằm nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi trước năm 2023.
Cùng với sự cộng hưởng của hệ thống công nghệ mới được đưa vào vận hành trong năm tới, với bộ 3 luật gồm Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư cùng có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 sẽ tháo gỡ nhiều rào cản cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam, cộng với uy tín của Việt Nam đang gia tăng trên trường quốc tế, ngành chứng khoán đặt mục tiêu hoàn thành nâng hạng thị trường trước thời điểm Chính phủ yêu cầu.