Một trong những nội dung của Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) được nêu tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV là ngân hàng thương mại (NHTM) có trách nhiệm cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng là người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế (gồm thông tin về mở tài khoản; số tài khoản; mã số thuế của người nộp thuế...) đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.
Một số đại biểu Quốc hội đã đề nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cần xem xét lại quy định NHTM cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản của người nộp thuế cho cơ quan quản lý thuế nhằm tránh ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng; đồng thời bảo mật được thông tin cho người nộp thuế.
Trả lời vấn đề này, ông Lưu Đức Huy cho rằng: "Theo Luật Quản lý thuế hiện hành, NHTM có trách nhiệm cung cấp thông tin về tài khoản, nội dung giao dịch qua tài khoản theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế. Vì vậy, Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) lần này đã hoàn thiện quy định này tại Khoản 2 Điều 27".
Cụ thể: NHTM có trách nhiệm cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng là người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế, bao gồm thông tin về mở tài khoản, số tài khoản cùng với mã số thuế của người nộp thuế.
Lãnh đạo Vụ Chính sách khẳng định: Cơ quan thuế sẽ đảm bảo giữ bí mật thông tin của người nộp thuế (trong đó có thông tin về tài khoản ngân hàng), phù hợp với quy định trong Điều 14 Luật các tổ chức tín dụng (TCTD) và pháp luật về an toàn thông tin mạng.
Ngoài ra, việc quy định cung cấp thông tin về số tài khoản của người nộp thuế nhằm giảm thiểu thủ tục cho người nộp thuế, chia sẻ thông tin giữa cơ quan quản lý thuế và các bên liên quan theo cơ chế tự động. Hiện có 51 ngân hàng ký kết với cơ quan thuế về việc chia sẻ thông tin, trong đó có 49 ngân hàng đã triển khai. Phía cơ quan thuế cũng đang quản lý cơ sở dữ liệu về tài khoản của hàng trăm ngàn doanh nghiệp và đến nay chưa có trường hợp nào bị lộ thông tin.
Theo Tổng cục Thuế, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, mẫu Luật quản lý thuế của IMF (Quỹ tiền tệ quốc tế); Luật Quản lý thuế của Hungary và Báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), đa số các nước đều quy định các ngân hàng và tổ chức tài chính tín dụng có nghĩa vụ thông báo cho cơ quan thuế biết về việc mở các tài khoản của người nộp thuế cùng mã số thuế do cơ quan thuế cấp. Thậm chí một số nước còn yêu cầu việc báo cáo tự động đối với việc đóng mở tài khoản, số dư tài khoản tại thời điểm cuối năm cũng như tiền lãi trên tài khoản của người nộp thuế cho cơ quan thuế.
“Như vậy, nội dung quy định như dự thảo Luật về nhiệm vụ, trách nhiệm của NHTM đã phù hợp với thông lệ quốc tế; đồng thời đảm bảo việc trao đổi thông tin với cơ quan thuế các nước”, ông Lưu Đức Huy khẳng định.
Liên quan vấn đề này, đại diện một số NHTM lại cho rằng đề xuất trên của ngành thuế trong Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) sẽ gây khó cho ngân hàng. Bởi phạm vi cung cấp thông tin mà ngành thuế đưa ra không rõ ràng sẽ phát sinh thêm nhiều thủ tục, có thể vi phạm quy định về bảo mật thông tin của ngân hàng với khách hàng.
Việc cung cấp thông tin của người nộp thuế để phục vụ, đảm bảo thực hiện trách nhiệm của cá nhân, doanh nghiệp là hợp lý nhưng phải quy định rõ việc cơ quan thuế được yêu cầu NHTM cung cấp ở mức độ nào? nếu không sẽ dẫn đến sự lạm quyền.
"Nếu nhìn nhận quy định trong Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) là chia sẻ thông tin giữa NHTM với cơ quan thuế thì từ trước đến nay cũng đã có một số quốc gia triển khai như: Thái Lan, Trung Quốc, Singapore, Malaysia... Tuy nhiên, các nước quy định về trao đổi, chia sẻ chứ không phải yêu cầu cung cấp thông tin. Họ cũng quy định rất rõ phải cung cấp thông tin trong những trường hợp nào? thông tin ra sao? cũng như đưa ra những mức độ khác nhau về cung cấp thông tin. Ngành thuế chỉ nên yêu cầu cung cấp thông tin cần thiết, hữu ích cho việc đòi nợ thuế", TS Cấn Văn Lực nói.
Trước đó, tham gia thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) trong kỳ họp Quốc hội lần này, một số đại biểu Quốc hội cho rằng: Cần có sự hài hòa để không làm ảnh hưởng đến uy tín và hoạt động của ngân hàng, tránh lạm dụng trong việc yêu cầu cung cấp thông tin dẫn đến ngân hàng vi phạm pháp luật. Việc bảo đảm bí mật thông tin khách hàng là nguyên tắc bảo mật thông tin của ngân hàng theo quy định của Luật các TCTD.
TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản tiền gửi, tài sản gửi, các giao dịch của khách hàng tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho tổ chức, cá nhân khác trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và được sự chấp thuận của khách hàng.