Chốt phiên này, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn tăng 80 xu Mỹ (1,2%) lên 69,67 USD/thùng sau khi có lúc rơi xuống mức thấp 65,72 USD/thùng trong cùng phiên. Còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 93 xu Mỹ (1,4%) lên 66,50 USD/thùng, sau khi có lúc giảm xuống 62,43 USD/thùng trong phiên này.
Các nhà giao dịch đã tăng cường bán tháo sau khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, đã nhất trí tiếp tục kế hoạch tăng sản lượng dầu hàng tháng thêm 400.000 thùng/ngày. Đây là sự kiện mới nhất trong một loạt sự kiện khiến giá dầu "lao dốc" và giảm tới 24% trong ba tuần qua.
Mặc dù giá “vàng đen” đã lấy lại đà phục hồi vào cuối phiên, song sự thiếu chắc chắn liên quan đến biến thể Omicron, chính sách hạn chế của các chính phủ nhằm ngăn chặn làn sóng dịch COVID-19 mới và những dự đoán về tình trạng dư cung vẫn khiến các nhà giao dịch giữ tâm lý thận trọng.
Rebecca Babin, nhà giao dịch tại công ty tư vấn tài chính CIBC Private Wealth US, có trụ sở tại Mỹ, nhận định thị trường đang phải "tiếp nhận nhiều thông tin".
Trong phát biểu gần đây, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo rằng biến thể mới Omicron có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, cơ quan y tế của Liên minh châu Âu dự báo biến thể này có thể là nguyên nhân gây ra hơn một nửa số ca mắc COVID-19 tại châu Âu trong vòng vài tháng.
Tuy vậy, công ty dịch vụ tài chính JP Morgan Global Equity Research (Mỹ) vẫn lạc quan về triển vọng của giá dầu với dự báo giá “vàng đen” sẽ vượt 125 USD/thùng vào năm tới và 150 USD/thùng vào năm 2023 do sự thiếu hụt sản lượng dầu của OPEC+.