Thực tế cho thấy, sự tăng trưởng nóng cũng đi kèm với những trục trặc trong việc nghẽn lệnh kéo dài tại Sở giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) gây bức xúc cho nhà đầu tư thời gian qua. Vậy vấn đề này đang được xử lý ra sao?
Xoay quanh chủ đề này phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Thương, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường- Uỷ ban chứng khoán Nhà nước
Thưa ông, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã có diễn biến thế nào từ đầu năm tới nay?
Bước sang năm 2021, với những chính sách quyết liệt, kịp thời, Việt Nam vẫn kiên cường thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Do đó, TTCK Việt Nam đã nhanh chóng tăng trưởng trở lại và được đánh giá là một trong những thị trường có sức chống chịu với đại dịch COVID-19 và phục hồi tốt nhất trên thế giới.
Trong hơn 5 tháng đầu năm 2021, chỉ số VN-Index bứt phá mạnh mẽ và liên tục lập đỉnh mới và được CNBC (Kênh thông tin tình hình tài chính – kinh tế Hoa Kỳ và quốc tế) đánh giá là thị trường tăng trưởng tốt nhất trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Tính đến 31/5/2021, chỉ số VN-Index đạt 1.328,05 điểm, tăng 7,2% so với cuối tháng trước và tăng 20,3% so với cuối năm 2020.
Thanh khoản thị trường cổ phiếu gia tăng đáng kể, giá trị giao dịch bình quân trong 5 tháng đầu năm 2021 đạt 21.214 tỷ đồng/phiên, tăng 186% so với năm trước. Mức vốn hóa thị trường đạt 6.440 nghìn tỷ đồng, tăng 21,7% so với cuối năm 2020, tương đương 102,3% GDP.
Cùng với thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu Chính phủ, thị trường chứng khoán phái sinh cũng ghi nhận diễn biến rất tích cực. Từ đầu năm đến nay, giá trị giao dịch bình quân trái phiếu Chính phủ đạt 11.574 tỷ đồng/phiên, tăng 11,4% so với năm 2020; trên TTCK phái sinh, tính chung từ đầu năm đến nay, khối lượng giao dịch bình quân đạt 182.654 hợp đồng/phiên, tăng 16% so với bình quân năm trước.
Có ý kiến cho rằng thị trường đã có dấu hiệu tăng trưởng “nóng”. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
Việc TTCK tăng trưởng mạnh mẽ thời gian vừa qua xuất phát từ nhiều yếu tố vĩ mô, cả trong và ngoài nước. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu kép về phòng chống dịch bệnh COVID-19 và tăng trưởng kinh tế, qua đó tác động tích cực đến TTCK.
Bất chấp tình hình dịch bệnh, đa số các doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan, riêng năm 2020 ghi nhận 87,1% doanh nghiệp báo lãi. Kinh tế năm 2021 cũng được đánh giá có cơ hội phục hồi cao.
Ngoài ra, mặt bằng lãi suất thấp cũng khiến TTCK trở thành kênh đầu tư hấp dẫn hơn so với tiền gửi. Trong 5 tháng đầu năm 2021, có hơn 482.000 tài khoản được mở mới, là số kỷ lục từ trước tới nay.
Bên cạnh đó, hầu hết TTCK thế giới đã tăng điểm và hồi phục tích cực cũng góp phần hỗ trợ cho đà tăng của TTCK trong nước.
Như vậy, sự tăng trưởng nhanh và mạnh của TTCK vừa qua là có cơ sở. Thị trường đã ở mức “nóng” hay chưa còn phụ thuộc vào "khẩu vị" của nhà đầu tư. Nhà đầu tư nên có những đánh giá về diễn biến, triển vọng của thị trường để có những điều chỉnh phù hợp với chính mình trong hoạt động đầu tư. Cơ quan quản lý sẽ tập trung quản lý, giám sát để đảm bảo thị trường phát triển bền vững, minh bạch.
Dòng tiền vào thị trường rất mạnh, bên cạnh các dòng tiền mới thì không thể không nhắc tới dòng tiền cho vay ký quỹ (margin) từ các công ty chứng khoán cũng đang ở mức kỷ lục. Ông đánh giá thế nào về những dòng tiền kể trên?
Thanh khoản của TTCK Việt Nam liên tiếp lập kỷ lục trong thời gian qua. Dòng tiền vào TTCK thông qua nhiều kênh khác nhau, và chủ yếu đến từ dòng tiền của nhà đầu tư trong nước. Kỳ vọng về tăng trưởng kinh tế vĩ mô, công tác phòng chống dịch hiệu quả, mặt bằng lãi suất thấp… là những nguyên nhân chính giúp dòng tiền tìm đến TTCK trong thời gian qua.
Theo thống kê, dư nợ margin đã liên tục tăng trong thời gian qua. Tính đến ngày 31/5/2021, dư nợ margin toàn thị trường đã đạt 112,1 nghìn tỷ đồng, tăng 31,2 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2020 và tăng 10,7 nghìn tỷ so với cuối quý I/2021. Với việc thị trường tăng trưởng mạnh trong thời gian vừa qua, dư nợ margin tăng là điều có thể lý giải được.
Trước tình hình tăng trưởng dư nợ margin trong thời gian vừa qua, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước sẽ tiếp tục thanh tra, giám sát nhằm đảm bảo việc cho vay margin được thực hiện theo đúng pháp luật, bảo đảm an toàn cho công ty chứng khoán và an toàn, bền vững cho dòng tiền trên TTCK.
Trong trường hợp phát hiện hành vi sai phạm, cơ quan quản lý sẽ có các biện pháp xử lý nghiêm, đảm bảo tính kỷ cương và kỷ luật thị trường.
Một vấn đề khác cũng đặc biệt được thị trường quan tâm trong thời gian qua, đó là việc xử lý nghẽn lệnh trên HOSE. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về vấn đề này?
Sự cố nghẽn lệnh hệ thống giao dịch trên HOSE đã xảy ra từ cuối năm 2020 và đến nay vẫn là một vấn đề quan trọng được toàn ngành đặc biệt quan tâm. Một số các giải pháp cấp bách đã được HOSE triển khai như tăng lô từ 10 lên 100, chuyển giao dịch tự nguyện, dừng giao dịch cổ phiếu niêm yết mới trên HOSE và nhất là cải tiến kỹ thuật… đã giúp hệ thống hoạt động tương đối ổn định trong thời gian qua.
Tuy nhiên, trong những phiên cuối tháng 5, đầu tháng 6, khi thanh khoản và số lượng lệnh vào thị trường tăng đột biến đã khiến hiện tượng nghẽn lệnh tái diễn, thậm chí xuất hiện rủi ro lớn đối với hệ thống giao dịch của HOSE, buộc HOSE phải chủ động ngừng giao dịch phiên chiều ngày 01/6/2021 để đảm bảo an toàn cho toàn hệ thống.
Đến nay, hệ thống đã trở lại hoạt động bình thường và có tiến triển tốt khi HOSE và các thành viên công ty chứng khoán cùng nỗ lực đưa ra giải pháp mới.
Song song với đó, HOSE và các đơn vị liên quan cũng đã tích cực triển khai đồng thời hệ thống giao dịch phối hợp với FPT và hệ thống CNTT tổng thể cho toàn thị trường (KRX). Tất cả công tác vẫn tiến hành khẩn trương, đảm bảo đúng tiến độ, lộ trình. Hệ thống phối hợp với FPT đã vào giai đoạn kiểm thử diện rộng và khi đưa vào vận hành, sẽ xử lý được vấn đề nghẽn lệnh.
Từ nay cho đến khi hệ thống phối hợp với FPT đi vào vận hành, việc đảm bảo hệ thống giao dịch hiện tại của HOSE không bị gián đoạn là ưu tiên hàng đầu. Đây cũng là việc được Bộ Tài chính đặc biệt quan tâm, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có chỉ đạo quyết liệt.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Chỉ đạo xử lý sự cố nghẽn lệnh giao dịch, các đơn vị liên quan thường xuyên bàn bạc, rà soát, đề xuất các giải pháp cấp bách để áp dụng khi cần, đảm bảo tốt nhất cho hệ thống giao dịch hiện tại của HOSE.
Vậy đâu là giải pháp mà cơ quan quản lý đưa ra để đảm bảo cho thị trường hoạt động ổn định trong thời gian tới, thưa ông?
Nhằm bảo đảm thị trường hoạt động ổn định trong thời gian tới, Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp: Tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho các thành viên thị trường về Luật Chứng khoán 2019 mới và các văn bản hướng dẫn, đồng thời hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường chứng khoán, xây dựng chiến lược phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2021 – 2030, tiếp tục tái cấu trúc thị trường chứng khoán theo Quyết định số 252/QĐ-TTg ngày 01/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra hoạt động thị trường, yêu cầu các thành viên thị trường phải tuân thủ quy định pháp luật và Ủy ban chứng khoán Nhà nước sẽ xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm để thị trường chứng khoán phát triển theo hướng minh bạch và bền vững.
Mặt khác, tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp để đảm bảo hệ thống giao dịch được thông suốt, đồng thời phải đưa bằng được hệ thống do FPT xây dựng vào sử dụng vào cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7 này để giải quyết dứt điểm tình trạng nghẽn lệnh giao dịch tại HOSE.
Trân trọng cảm ơn ông!