Nhà đầu tư trong nước kỳ vọng đà phục hồi của thị trường chứng khoán

Chỉ số VN - Index đã củng cố xu hướng hồi phục trong tháng 8 và đóng cửa ở mức 1.282,6 điểm tăng 6,3% so với đầu tháng và qua đó thu hẹp mức giảm còn 14,4% so với đầu năm.

Dù vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro từ xu hướng đi xuống của chứng khoán thế giới do lo ngại về lạm phát, nhưng giới phân tích vẫn cho rằng, việc nền kinh tế tiếp tục trên đà phục hồi và dòng tiền lớn lập tức tham gia thị trường ngay khi VN - Index điều chỉnh về vùng hỗ trợ mạnh đã cho thấy sự kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư trong nước về đà phục hồi của thị trường.

Chứng khoán Việt Nam thường tăng vào tháng 9

Chú thích ảnh
Nhà đầu tư trong nước kỳ vọng đà phục hồi của thị trường chứng khoán. Ảnh minh họa: CTV

Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT cho biết, giá trị giao dịch bình quân toàn thị trường tháng 8 đã tăng 35,7% so với tháng trước, nhưng vẫn giảm 36,1% so với cùng kỳ, đạt 18.560 tỷ đồng. Đáng chú ý, khối ngoại chuyển vị thế từ bán ròng sang mua ròng, với giá trị mua ròng đạt 1.661 tỷ đồng trong tháng 8.

Theo VNDIRECT, thị trường điều chỉnh có thể mở ra cơ hội để gia tăng tỷ trọng phiếu. Thị trường chứng khoán Việt Nam có thể phải đối mặt với một đợt điều chỉnh ngắn hạn trong tháng 9 khi VN-INDEX đang tiến tới vùng kháng cự mạnh 1.300-1.330 điểm.

“Tuy nhiên, các yếu tố cơ bản của thị trường đang được cải thiện, chúng tôi cho rằng sự điều chỉnh này tạo ra cơ hội giải ngân cho các nhà đầu tư để xây dựng danh mục cho quý IV/2022 và năm 2023. Chúng tôi kỳ vọng mức 1.240-1.260 điểm sẽ là vùng hỗ trợ cho VN-Inde trong tháng 9”, chuyên gia từ VNDIRECT khuyến nghị.

Thực tế, chứng khoán Việt Nam thường tăng vào tháng 9. Theo thống kê trong 22 năm giao dịch của thị trường chứng khoán, có 14 lần chỉ số VN-Index tăng điểm vào tháng 9. Trong 6 năm gần đây (2016 - 2021), VN-Index đều tăng điểm và mức tăng cao nhất là 2,79% năm 2018. Vào năm 2021, chỉ số của sàn HOSE cũng tăng nhẹ 0,8%.

Theo chuyên gia phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam Phạm Bình Phương, tuần 29 - 31/8, VN-Index chỉ giao dịch 3 phiên do nghỉ lễ, dù giao dịch ngắn nhưng thị trường đã có diễn biến dao động lớn trong tuần.

Chịu áp lực từ phiên giảm mạnh của thị trường Mỹ phiên 26/8, VN-Index đã khởi đầu tuần mới với diễn biến giảm mạnh. Sau khi chạm mốc 1.249 điểm, diễn biến bắt đáy tại ngưỡng hỗ trợ 1.250 đã giúp VN-Index hồi phục mạnh và khiến nhiều nhà đầu tư bất ngờ để chốt phiên 29/8 tại 1.270 điểm. Chỉ số tiếp tục tăng trong 2 tiếp theo để chốt tuần tại 1.280,51điểm. Tuy nhiên, mức này vẫn giảm nhẹ 0,16% so với tuần trước.

Tính chung cả tháng 8, VN-Index đã hồi phục 6,3%. Tương tự, so với đầu tháng 8, HNX-Index cũng tăng 1,15% lên 291,92 điểm, UPCOM-Index tăng 3,16% lên 92,44 điểm.

Các nhóm ngân hàng, dầu khí và cao su là những nhóm ngành nổi bật trong tuần với các đại diện như VCB tăng 1,8 điểm, GVR tăng 1 điểm và GAS tăng 0,9 điểm. Ba cổ phiếu này có ảnh hưởng tích cực đến VN-Index. Trong khi đó, VIC là cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất ở chiều giảm điểm với mức tác động -1,3 điểm lên VN-Index. DPM là cổ phiếu có mức tăng giá mạnh nhất trong top 10 với mức tăng trong tuần lên đến 5,8%.

Khối ngoại đã bán ròng tổng cộng gần 670 tỷ đồng sau 3 phiên giao dịch; trong đó,phiên có giá trị cao nhất vào phiên giảm mạnh ngày 29/8. TLG và NVL là 2 cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất với giá trị lần lượt là 162 tỷ đồng và 108 tỷ đồng, trong khi PVD và DXG dẫn đầu danh sách mua ròng với giá trị 73 tỷ đồng và 58 tỷ đồng.

Ngưỡng 1.250 điểm của chỉ số VN-Index thể hiện là vùng hỗ trợ đáng tin cậy cho xu hướng trung hạn. Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam giữ nguyên đánh giá tăng cho xu hướng ngắn hạn và trung hạn khi mốc 1.280 vẫn được duy trì.

Theo Công ty Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS), VN-Index ghi nhận 3 phiên giao dịch rung lắc mạnh trước kỳ nghỉ lễ. Tuy nhiên, lực cầu xuất hiện mạnh mẽ khi chỉ số chung vừa chạm hỗ trợ mạnh 1250 điểm đã giúp thu hẹp đà giảm và chỉ giảm nhẹ 2 điểm so với tuần trước đó.

Về diễn biến cụ thể, trong tuần qua, VN-Index đã có lúc giảm sâu 30 điểm, lui về vùng 1250 điểm. Tuy nhiên lực cầu mạnh mẽ tại vùng hỗ trợ này đã lập tức kéo chỉ số quay lại khu vực kháng cự ngắn hạn 1280 điểm.

Thanh khoản có phần sụt giảm trong 2 phiên 30/8 và 31/8 cho thấy, tâm lý thận trong của nhà đầu tư trước khi thị trường tạm ngừng giao dịch trong kỳ nghỉ lễ. Sự phân hóa cũng được thể hiện rõ ràng hơn, khi dòng tiền vẫn đang tìm đến những cổ phiếu riêng lẻ có triển vọng như DBC, CTD, BVH.

Trong 3 phiên giao dịch vừa qua, nhóm cổ phiếu hóa chất, phân đạm, bán lẻ có được mức tăng tốt nhất, đạt gần 7%. Dòng tiền khối ngoại trong tuần vừa qua cũng tỏ ra khá thận trọng khi liên tục bán ròng.

Tuy nhiên, việc nền kinh tế vẫn tiếp tục trên đà phục hồi và việc dòng tiền lớn lập tức tham gia thị trường ngay khi VN - Index điều chỉnh về hỗ trợ mạnh cho thấy sự kỳ vọng lớn của nhiều nhà đầu tư vào đà tăng của thị trường.

Chuyên gia phân tích Phạm Thu Hà Phương từ Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) có góc nhìn thận trọng khi cho rằng, khả năng tăng vượt vùng cản 1.300 điểm của VN-Index và 1.325 điểm của VN30-Index chưa rõ ràng sau nhịp rung lắc vào phiên 29/6.

Tuy nhiên, thị trường có ghi nhận diễn biến tích cực từ một số nhóm ngành như điện, thủy sản, ngân hàng... Do đó, thị trường có thể sẽ tiếp tục kiểm tra cung cầu theo hướng tăng dần trong phiên giao dịch tiếp theo. “Nhà đầu tư cần chú ý áp lực tại vùng cản 1.280 – 1.300 điểm của VN-Index và nên tận dụng nhịp tăng để cân nhắc cơ cấu danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro”, VDSC khuyến nghị.

Chứng khoán thế giới giảm điểm do lo ngại lạm phát

Thị trường chứng khoán Việt Nam giảm nhẹ cùng xu hướng bối cảnh các thị trường chứng khoán thế giới đi xuống trong tuần qua do những lo ngại về lạm phát.

Cụ thể, thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục xu hướng đi xuống, ghi nhận tuần mất điểm thứ ba liên tiếp, chịu tác động chính bởi lời cảnh báo của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell về việc tăng lãi suất mạnh hơn để chống lạm phát.

Hầu hết các thị trường đã sụt giảm kể từ cuối tuần trước (ngày 26/8) và đà trượt dốc của thị trường kéo dài sang tuần này, khi cả ba chỉ số chính của Phố Wall liên tục chứng kiến “sắc đỏ”.

Theo dữ liệu do Dow Jones Market Data tổng hợp, chỉ số Dow Jones kết thúc tháng 8/2022 với mức giảm 3,9%, trong khi S&P 500 mất 4,2% và Nasdaq lùi 4,6%.

Phiên giao dịch cuối tuần ngày 2/9, Phố Wall ghi dấu phiên giảm điểm thứ sáu liên tiếp, dù cho chỉ số Dow Jones mở cửa với “sắc xanh”.

Kết thúc phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1,1% xuống 31.318,44 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,1% xuống còn 3.924,26 điểm, mức đóng cửa thấp nhất kể từ tháng 7/2022.

Còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite hạ 1,3% xuống còn 11.630,86 điểm, ghi nhận chuỗi 6 phiên giảm điểm liên tiếp đầu tiên kể từ năm 2019.

Cả ba chỉ số này đều giảm điểm trong tuần qua và đánh dấu tuần đi xuống thứ ba liên tiếp. Tính chung cả tuần, Dow Jones và S&P 500 mất lần lượt 3% và 3,3%, trong khi Nasdaq hạ 4,2%.

Callie Cox, nhà phân tích đầu tư tại công ty dịch vụ giao dịch tài chính eToro, có trụ sở tại Tel Aviv (Israel) cho biết: “Vẫn còn rất nhiều lo ngại về những gì sẽ diễn ra trong vài tháng tới. Lạm phát và thị trường việc làm đang trở lại cân bằng, nhưng cái giá phải trả là gì?”.

Số liệu kinh tế quan trọng cuối cùng đáng chú ý là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Tám,  dự kiến được công bố vào ngày 13/9 tới, nhiều khả năng sẽ quyết định mức độ quyết liệt trong chính sách lãi suất của Fed trong ngắn hạn.

Tại châu Á, chứng khoán Trung Quốc đã ghi nhận tuần giảm mạnh nhất của bảy tuần trong phiên 2/9, sau khi một số thành phố lớn của nước này công bố tiếp tục siết chặt các biện pháp phòng ngừa sự lây lan của đại dịch COVID-19.

Trong khi đó, các thị trường chứng khoán châu Á khác cũng phần lớn giảm điểm trước thời điểm Mỹ công bố báo cáo việc làm. Giới đầu tư đang đặt cược rằng, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục duy trì quan điểm cứng rắn trong các quyết định về lãi suất.

Cụ thể, trong phiên chiều ngày 2/9 tại thị trường Trung Quốc, hai sàn giao dịch chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong biến động ngược chiều. Khép phiên, trong khi chỉ số Shanghai Composite tăng 0,1% lên 3.186,48 điểm thì chỉ số Hang Seng lại giảm 0,7% xuống còn 19.452,09 điểm.

Trong khi đó, Chỉ số CSI 300, chỉ số theo dõi 300 cổ phiếu hàng đầu được giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải và Sở giao dịch chứng khoán Thâm Quyến cũng giảm 0,5%.

Như vậy nếu tính theo tuần, ba chỉ số CSI 300, Hang Seng và Shanghai Composite đã lần lượt giảm 2%, 3,6% và 1,5%; trong đó, chỉ số CSI 300 và Hang Seng ghi nhận mức giảm theo tuần lớn nhất kể từ ngày 15/7.

Văn Giáp (TTXVN)
Chưa có yếu tố hỗ trợ giá vàng
Chưa có yếu tố hỗ trợ giá vàng

Trước dự đoán việc đồng USD lên giá khi lãi suất tăng dự báo gây sức ép lên giá vàng, giá vàng trong nước và thế giới đã có tuần giao dịch đi xuống.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN