Nhà đầu tư vẫn hướng về vàng

Thị trường vàng thế giới những ngày qua liên tục xác lập những mức cao mới và bỏ lại phía sau "đỉnh" lịch sử hồi tháng 9/2011, thời kỳ giới đầu tư đổ xô vào vàng theo sau những đợt bơm tiền khổng lồ để vực dậy kinh tế thế giới sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.

Giá vàng đã tăng phi mã trong 8 phiên liền từ ngưỡng 1.800 USD/ounce lên ngưỡng 1.900 USD/ounce và tới phiên 28/7 "đỉnh" mới 1.980,57 USD/ounce đã được xác lập.

Chú thích ảnh
Sau vài phiên hạ nhiệt, chiều 31/7 giá vàng giao ngay tăng 0,8% lên 1.975,44 USD/ounce. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Sau vài phiên hạ nhiệt tới chiều 31/7 giá vàng giao ngay tăng 0,8% lên 1.975,44 USD/ounce và ngưỡng 2.000 USD/ounce không còn xa.

Đây không phải lần đầu tiên thị trường vàng biến động mạnh sau những động thái của các ngân hàng trung ương. Trong giai đoạn tháng 12/2008 đến tháng 6/2011, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã mua 2.300 tỷ USD nợ và duy trì môi trường lãi suất gần bằng 0 để thúc đẩy tăng trưởng. Diễn biến này đã đẩy giá vàng lên kỷ lục của tháng 9/2011 là 1.921,17 USD/ounce.

Được coi là "nơi trú ẩn an toàn" trong thời kỳ bất ổn, vàng đã trở thành lựa chọn ưu tiên của giới đầu tư trên khắp thế giới. Nhà đầu tư lo ngại chính phủ các nước tiếp tục thực hiện biện pháp phong toả nhằm ngăn ngừa sự lây lan mạnh của COVID-19, các nước sẽ đưa ra nhiều gói kích thích kinh tế lớn chưa từng có và các ngân hàng trung ương sẽ quyết định in tiền nhanh hơn để tài trợ cho những khoản chi tiêu này. 

Ngoài ra, xu hướng sụt giảm xuống mức âm của lợi suất trái phiếu Mỹ, đi kèm với việc đồng USD giảm sâu so với đồng euro và đồng yen và căng thẳng Mỹ-Trung tiếp tục gia tăng, cũng là những nguyên nhân khiến giới đầu tư đua nhau tìm đến vàng.

Chuyên gia Michael Matousek từ U.S. Global Investors nhận định không có lý do gì để các nhà đầu tư không nắm giữ vàng khi thâm hụt ngân sách cao và lãi suất thấp. Chuyên gia Mark Mobius, nhà đồng sáng lập Mobius Capital Partners, nói thêm: "Trong bối cảnh môi trường lãi suất được duy trì ở ngưỡng gần bằng 0, vàng sẽ trở nên hấp dẫn hơn, bởi khi sở hữu vàng bạn sẽ không phải lo lắng về việc không nhận được lãi đầu tư".

Theo số liệu mới nhất của Hội đồng Vàng Thế giới, trong số 10 nước có dự trữ vàng nhiều nhất thế giới, Mỹ đứng đầu bảng với 8.133,5 tấn, chiếm 78,9% tổng dự trữ ngoại hối quốc gia. Dự trữ vàng của Mỹ gần bằng tổng dự trữ của Đức, Italy và Pháp cộng lại. Tính đến tháng 7/2020, các nước dự trữ khoảng 34.900 tấn vàng. Số vàng này được dùng để ổn định đồng nội tệ trước nguy cơ lạm phát phi mã, đặc biệt trong các cuộc khủng hoảng lớn như hiện tại.

Hồi tháng Tư, Ngân hàng Bank of America đã nâng dự báo về giá vàng trong 18 tháng sau đó lên ngưỡng 3.000 USD/ounce. Lý do là "khi GDP giảm mạnh, chi tiêu tài khóa tăng và bảng cân đối kế toán của các ngân hàng trung ương phình ra gấp đôi, tiền tệ các nước sẽ chịu sức ép. Nhà đầu tư vì thế sẽ hướng tới vàng". Ngoài ra, dòng tiền lớn đổ vào vàng cùng với các chính sách cung tiền lớn chưa từng có là lực đẩy cho đà tăng của vàng trong thời gian tới.

H.Hà (TTXVN)
Giá vàng SJC sáng 31/7 tăng 0.000 đồng/lượng
Giá vàng SJC sáng 31/7 tăng 0.000 đồng/lượng

Giá vàng trong nước sáng 31/7 tăng 0.000 đồng/lượng và vẫn giữ ở mức cao, gần 58 triệu đồng/lượng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN