Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Aso tái khẳng định chính sách của chính phủ về việc sẽ chỉ can thiệp trong trường hợp cần thiết. Ông Aso nêu rõ chính sách tiền tệ của Nhật Bản không nhằm cố định tỷ giá hối đoái, đồng thời cho biết các nền kinh tế thuộc
Nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã nhất trí quan điểm rằng các chính sách tiền tệ đột ngột và thiếu trật tự sẽ ảnh hưởng tới hệ thống tài chính và kinh tế toàn cầu.
Những ngày gần đây, đồng yen tăng lên mức cao nhất trong 15 tháng so với đồng USD khi 1 USD giờ chỉ đổi được 106,5 yen. Việc đồng yen tăng giá là nhân tố gây tổn thất cho các nhà xuất khẩu Nhật Bản.
Trước đó một ngày, phát biểu tại Quốc hội Nhật Bản, ông Aso cho hay những biến động gần đây của đồng yen chưa tới mức cần chính phủ can thiệp.
Liên quan đến chính sách tiền tệ của Nhật Bản, cũng trong ngày 16/2, chính phủ nước này đã trình lên Quốc hội xem xét thông qua đề xuất tái bổ nhiệm Thống đốc Ngân hàng Trung ước Nhật Bản (BOJ) Haruhiko Kuroda thêm nhiệm kỳ 5 năm lần thứ hai. Đây là tín hiệu cho thấy chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe sẽ tiếp tục tin tưởng vào chính sách nới lỏng tiền tệ của ông Kuroda để đưa nền kinh tế thứ 3 thế giới thoát khỏi hàng thập kỷ giảm phát.
Đây là lần đầu tiên Chính phủ Nhật Bản đề xuất gia hạn nhiệm kỳ thứ hai của một thống đốc BOJ trong hơn nửa thập kỷ trở lại đây. Đề xuất trên cần được sự thông qua của cả hai viện Quốc hội. Nếu được chấp nhận, ông Kuroda sẽ tiếp tục tại nhiệm tới năm 2023 và trở thành lãnh đạo có nhiệm kỳ lâu nhất trong lịch sử BOJ.