Theo đánh giá của một số chuyên gia chứng khoán, những rào cản đối với thị trường chứng khoán trong thời gian qua cũng dần được cởi bỏ, từ dữ liệu tăng trưởng GDP quý 3/2021 âm, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2021 được đánh giá không mấy sáng sủa và ảnh hưởng; sự điều chỉnh của chứng khoán thế giới.
Từ đầu phiên sáng 11/10, các cổ phiếu ngân hàng với sắc xanh bao phủ rộng, cổ phiếu HPG, thậm chí cả HVN đã kéo chỉ số nhẹ nhàng vượt ngưỡng cản.
Về cuối phiên, nhóm cổ phiếu ngân hàng đồng loạt đều nới rộng biên độ tăng về cuối phiên. Cặp đôi CTG và TCB tăng lần lượt 3,6% lên 30.500 đồng/cổ phiếu và tăng 3,4% lên 52.400 đồng/cổ phiếu; các mã HDB, ACB, STB, MBB có mức tăng hơn 2%... Bên cạnh đà tăng khá tốt về giá, điểm tích cực khác ở nhóm cổ phiếu ngân hàng chính là sự hấp thụ dòng tiền. Theo đó, cổ phiếu MBB và TCB khớp lệnh 13 - 14 triệu đơn vị; STB khớp 8,72 triệu đơn vị; CTG khớp 8,14 triệu đơn vị… Nhóm cổ phiếu thép SMC tăng gần 3%; NKG, HPG tăng hơn 2%; TLH, HSG, POM tăng hơn 1%...
Chốt phiên sáng 11/10, sàn HoSE có 207 mã tăng và 191 mã giảm giá, VN-Index tăng 10,97 điểm (+0,8%), lên 1.3,7 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt trên 411 triệu đơn vị, giá trị 11.464,7 tỷ đồng, tăng 4,24% về khối lượng và 7,1% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần ngày 8/10. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 23,86 triệu đơn vị, giá trị hơn 962 tỷ đồng.
Còn sàn HNX có 102 mã tăng nhưng cũng có tới 105 mã giảm, HNX-Index tăng 2,03 điểm (+0,55%), lên 373,95 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 51,8 triệu đơn vị, giá trị 1.088,27 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,28 triệu đơn vị, giá trị 74 tỷ đồng.
Trước đó, thị trường chứng khoán Việt Nam đã khép lại một tuần tăng điểm với chỉ số VN-Index tăng 37,84 điểm, tương ứng tăng 2,83%, cắt mạch giảm 2 tuần liên tiếp và tiệm cận vùng đỉnh tháng 8/2021.
Một số ý kiến cho rằng, dịch bệnh được khống chế, tất cả các ngành đều sẽ hưởng lợi, trong đó một số ngành được kỳ vọng nhiều hơn như nhóm bán lẻ (tiêu dùng hồi phục); nhóm xuất khẩu (vẫn đang tăng trưởng tốt); nhóm công nghệ (đẩy mạnh đầu tư, chuyển đổi số); nhóm bất động sản (vào mùa bàn giao quý 4/2021), nhóm hưởng lợi từ đẩy mạnh triển khai đầu tư công.
Theo ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS), quý III/2021 thực sự khó khăn với hầu hết các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ. Dù vẫn có những lĩnh vực đạt hiệu quả cao từ ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng nhìn chung giới đầu tư kỳ vọng hướng về quý IV/2021 và cả mùa kinh doanh năm sau nhiều hơn.
“Kết quả kinh doanh công bố có thể làm giá cổ phiếu rung lắc vài phiên trong tuần nhưng sẽ không quá ảm đạm. Ngoài ra, nhiều nhóm ngành và doanh nghiệp duy trì năng lực tốt từ đầu năm sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền ngay khi kết quả công bố. Các nhóm ngành phân đạm, thép, bán lẻ, logistics dự báo tiếp tục tăng trưởng trong quý này; các nhóm ngành khác như dầu khí, dệt may, bất động sản, khu công nghiệp, vật liệu xây dựng dự báo sẽ hồi phục mạnh từ quý 4/2021”, ông Nguyễn Hồng Khanh chia sẻ.
Còn dự báo của Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng: Nhóm cổ phiếu ngành thép dự kiến vẫn duy trì mức tăng trưởng mạnh nhờ vào giá thép tăng mạnh và nhu cầu thép tăng cao; nhóm chứng khoán, hóa chất, điện, gỗ và giấy, bán lẻ và vận tải sẽ vẫn tăng trưởng.