Theo Bộ Tài chính, thu nội địa thực hiện tháng 3 ước đạt 108,6 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 37 nghìn tỷ đồng so với tháng 2; lũy kế thu quý 1 đạt 315,4 nghìn tỷ đồng, bằng 26,9% dự toán năm, tăng 13,8% so cùng kỳ năm 2018.
Thu từ dầu thô thực hiện tháng 3 ước đạt 4,5 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 900 tỷ đồng so với tháng 2; lũy kế thu quý I đạt 12,28 nghìn tỷ đồng, bằng 27,5% dự toán năm, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu thực hiện tháng 3 ước đạt 26,8 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 6,6 nghìn tỷ đồng so với tháng 2. Lũy kế thu quý 1 đạt 80,8 nghìn tỷ đồng, bằng 26,9% dự toán năm, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2018. Sau khi thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ (27,8 nghìn tỷ đồng), thu cân đối NSNN đạt khoảng 53 nghìn tỷ đồng, bằng 28% dự toán năm, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong khi đó, tổng chi NSNN tháng 3 ước đạt 120, nghìn tỷ đồng, lũy kế chi quý 1 đạt 315,6 nghìn tỷ đồng, bằng 19,3% dự toán năm, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2018.
“Nhìn chung, các nhiệm vụ chi ngân sách trong tháng 3 và quý 1 được đảm bảo chặt chẽ, theo đúng dự toán và tiến độ triển khai thực hiện của các đơn vị sử dụng ngân sách, đáp ứng các nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội. Do nhu cầu chi quý 1 thấp nên cân đối NSNN về tổng thể có thặng dư. Để định hướng sự phát triển của thị trường và chủ yếu để cơ cấu lại nợ công về kỳ hạn nợ và lãi suất huy động, trong quý 1, Bộ Tài chính thực hiện phát hành 69,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn bình quân là 12,35 năm, lãi suất bình quân là 4,91%/năm”, ông Ngô Chí Tùng nói.
Theo các chuyên gia kinh tế, tính bền vững của NSNN đã đạt được kết quả khá tích cực; những khoản thu thiếu ổn định trong 3 tháng đầu năm 2019 đều giảm như nguồn thu từ dầu thô đạt 12,28 nghìn tỷ đồng, bằng 27,5% dự toán năm, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm 2018.
PGS.TS Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính hay: Cơ cấu thu NSNN những năm gần đây đã vững chắc hơn. Tổng thu nội địa trong tổng thu ngân sách đã tăng nhanh và đạt gần 82% vào năm 2018. Tuy nhiên, trên thực tế cơ cấu thu NSNN của nhiều địa phương cho thấy không thực sự bền vững, khi thu từ khu vực sản xuất kinh doanh không đạt dự toán, chủ yếu dựa vào nguồn thu từ đất đai (nguồn thu không bền vững).
Để khắc phục tình trạng này, PGS.TS Lê Xuân Trường cho hay: Nên ưu tiên các mục tiêu tạo dựng môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển làm nền tảng tăng thu từ sản xuất, kinh doanh; thu đúng, thu đủ các nguồn thu của NSNN; tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát huy tốt các lợi thế so sánh của Việt Nam; thúc đẩy các doanh nghiệp trong nền kinh tế tham gia vào những khâu có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu để đảm bảo tính hiệu quả của sản xuất kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Kết quả của tái cơ cấu nền kinh tế sẽ tác động tích cực tới cơ cấu thu NSNN.
Thời gian qua, Bộ Tài chính đã có nhiều giải pháp để thu ngân sách bền vững hơn như: ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh thông qua các chính sách miễn, giảm thuế. Hiện Bộ Tài chính đang đề xuất miễn, giảm thuế cho một số đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa; hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp.
Theo PGS.TS Lê Xuân Trường những giải pháp như miễn, giảm thuế sẽ có tác động trực tiếp đến việc thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh góp phần hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tăng tích lũy, tái đầu tư, đẩy mạnh phát triển, từ đó quay trở lại đóng góp cho ngân sách. Đồng thời, ngành tài chính cần mở rộng cơ sở thuế đối với những sắc thuế quan trọng, điều chỉnh thuế suất, tạo nguồn thu cho NSNN hướng tới cân đối thu - chi và có thặng dư ngân sách.