Khoảng 0 giờ 45 phút sáng 9/4 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,3% lên 2.336,39 USD/ounce, sau khi đạt mức cao kỷ lục 2.353,79 USD/ounce trước đó trong phiên. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 0,2% lên 2.351 USD/ounce.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương nước này) đã bổ sung 160.000 ounce vàng vào kho dự trữ trong tháng 3/2024. Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Kazakhstan và một số nước Đông Âu cũng đã mua vào vàng trong năm nay.
Người đứng đầu chiến lược hàng hóa tại TD Securities ông Bart Melek cho biết thị trường dự kiến việc cắt giảm lãi suất sẽ diễn ra vào tháng 6/2024 bất chấp dữ liệu kinh tế mạnh mẽ. Tuy nhiên, nếu thị trường liên tiếp đón nhận số liệu kinh tế mạnh, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không vội cắt giảm lãi suất, theo đó vàng sẽ không thể duy trì đà tăng của mình. Ông Melek cho hay việc các ngân hàng trung ương mua vào vàng và căng thẳng địa chính trị là những yếu tố hỗ trợ kim loại quý này.
Dữ liệu của CME Group cho thấy các nhà giao dịch đang đoán định khoảng 52% khả năng lãi suất của Mỹ sẽ được cắt giảm 25 điểm cơ bản đầu tiên vào tháng 6/2024. Tuy nhiên, dữ liệu hôm 5/4 cho thấy tăng trưởng việc làm của Mỹ trong tháng 3/2024 đã vượt kỳ vọng của thị trường, làm dấy lên nghi ngờ về thời điểm cắt giảm lãi suất. Lãi suất thấp hơn làm giảm chi phí cơ hội nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 1% lên 27,76 USD/ounce, mức cao nhất trong gần 3 năm. Hãng tin Reuters dẫn lời các quan chức cho biết nhập khẩu bạc của Ấn Độ đã đạt mức cao kỷ lục trong tháng 2/2024 do mức thuế thấp hơn đã khuyến khích lượng mua lớn từ Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE).
Giá bạch kim tăng 3,9% lên 963,60 USD/ounce, còn giá palladium tăng 3,8% lên 1.040,82 USD/ounce.
Tại Việt Nam, sáng sớm ngày 9/4, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 80,40-82,42 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra).