Cùng với đó, mức tăng rất mạnh của nhiều mặt hàng quan trọng đã giúp chỉ số MXV-Index tăng tới 1,84% lên 3.133 điểm, mức cao nhất kể từ giữa tháng 03 đến nay. Dòng tiền đầu tư đến thị trường hàng hoá cũng có sự gia tăng gần 10%; giá trị giao dịch toàn Sở đạt 4.000 tỷ đồng.
Lo ngại nguồn cung gia tăng trở lại, ngô và lúa mì đồng loạt tăng mạnh
Giá ngô đã chấm dứt chuỗi bốn phiên giảm liên tiếp trong tuần trước bằng phiên tăng vọt ngày hôm qua. Đóng cửa ngày 06/06, giá ngô tăng hơn 2% lên mức 292 USD/tấn. Các diễn biến quân sự tại Biển Đen tiếp tục là yếu tố hỗ trợ chính cho giá mặt hàng này.
Theo hãng tin Ukrinform, Nga đã thực hiện một cuộc tấn công tên lửa vào khu vực cảng Odessa, nơi xuất khẩu ngũ cốc lớn của Ukraine. Cuộc tấn công này đã làm cháy các kho chứa ngũ cốc quan trọng và ảnh hưởng lớn đến khả năng xuất khẩu của Ukraine. Điều này khiến quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng hơn và nguồn cung ngũ cốc từ Biển Đen sẽ còn tiếp tục bị thắt chặt. Đây là yếu tố “bullish” mạnh và giúp giá ngô tạo gapup.
Trong khi đó tại Mỹ, Báo cáo Giao hàng Xuất khẩu (Export Inspections) do USDA phát hành tối hôm qua cho thấy, số liệu giao hàng ngô trong tuần 27/05-02/06 của nước này đạt 1,434,3 tấn, cao hơn một chút so với mức 1,411,734 tấn trong tuần trước đó. Tuy mức tăng không quá cao, tuy nhiên tốc độ giao hàng ngô được ổn định cũng đã hỗ trợ đà tăng của giá.
Lúa mì Chicago thậm chí còn tăng mạnh hơn 5% lên mức 401,6 USD/tấn. Giá bật tăng ngay từ khi mở cửa phiên giao dịch do thông tin về cuộc tấn công tên lửa của Nga nhắm vào cảng Odessa và bật tăng mạnh do những lo ngại về nguồn cung bị thắt chặt.
Tại Pháp, Liên đoàn Nông dân Quốc gia (FNSEA) cho biết các trang trại trên khắp nước này vừa hứng chịu các trận mưa đá và bão dữ dội. Điều này khiến các cánh đồng lúa mì dự kiến sắp được thu hoạch của Pháp chịu thiệt hại đáng kể, thậm chí ở nhiều nơi 100% diện tích bị ảnh hưởng. Thêm vào đó, FranceAgriMer cũng tiếp tục hạ dự báo chất lượng lúa mì Pháp lần thứ tư liên tiếp vào cuối tuần trước do khô hạn kéo dài. Đáng chú ý, Pháp là quốc gia xuất khẩu lúa mì lớn thứ tư trên thế giới. Vì vậy, các thông tin trên đã dấy lên nhiều lo ngại về nguồn cung từ Pháp và tạo hỗ trợ mạnh mẽ cho giá.
Ngoài ra, Hãng tư vấn nông nghiệp IKAR cho biết giá FOB đối với lúa mì từ Biển Đen của Nga trong tháng 6 đã tăng lên mức 425 USD/tấn do nhu cầu được cải thiện. Điều này cũng góp phần hỗ trợ đà tăng của giá lúa mì trong phiên hôm qua.
Dầu thô điều chỉnh nhẹ sau khi thách thức vùng đỉnh 3 tháng
Còn trên thị trường Năng lượng, giá dầu bất ngờ giảm điều chỉnh trong phiên giao dịch đầu tuần, do lực bán chốt lời mạnh vào cuối phiên. Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu WTI giảm nhẹ xuống 118,5 USD/thùng và dầu Brent cũng giảm không đáng kể xuống 119,5 USD/thùng.
Dầu thô tăng mạnh lúc mở cửa phiên, thúc đẩy bởi thông tin Saudi Arabia nâng giá bán chính thức các sản phẩm chủ lực sang thị trường châu Á, một tín hiệu cho thấy quốc gia đứng đầu OPEC+ tin tưởng vào sự phục hồi nhu cầu tiêu thụ của khu vực này. Mức tăng lớn, khiến cho dầu nhẹ Arab giao tháng 07 sẽ cao hơn giá dầu Oman/Dubai trong khu vực đến 6,5 USD/thùng, so với chênh lệch 2,1 USD/thùng trước đây càng cho thấy sự tự tin của Saudi Arabia về các đơn hàng sắp tới, bất chấp nhóm OPEC+ vừa quyết định tăng sản lượng thêm 648 nghìn thùng/ngày trong tháng tới. Kết hợp với chiến sự leo thang tại Ukraine, khi Nga gia tăng các hoạt động quân sự tại thủ đô Kiev, Ukraine. Trước nguy cơ thiếu hụt nguồn cung dầu do các lệnh cấm của EU lên Nga, các ngân hàng đầu tư Citibank và Barclays đồng loạt nâng dự báo giá dầu trong năm 2022, lên mức khoảng 113 USD/thùng.
Tuy vậy, giá dầu chịu áp lực chốt lời do giá đã chạm vùng đỉnh 3 tháng. Thiếu hụt các dự báo đáng tin về sự suy giảm nguồn cung từ Nga đã khiến cho giá dầu chưa thể phá vỡ đỉnh cũ. Bên cạnh đó, thông tin Ấn Độ đang thúc đẩy nhập khẩu dầu thô từ Nga cũng là yếu tố khiến lực bán gia tăng vào cuối phiên.
Ngược lại với dầu thô, giá khí tự nhiên tại Mỹ tăng rất mạnh 9,37% lên 9,32 USD/MMBTu. Sản lượng khí tự nhiên hóa lỏng của Qatar trong 5 tháng đầu năm chỉ đạt 35 triệu tấn, thấp hơn 1 triệu tấn so với cùng kỳ năm ngoái, bất chấp nhu cầu rất lớn từ châu Âu, gia tăng sức hấp dẫn cho sản phẩm của Mỹ. Hiện giá khí NYMEX đã tăng gần 270% so với đầu năm.
Còn trên thị trường nội địa, kể từ ngày 01/06, giá gas trong nước được điều chỉnh giảm khoảng 31.000 đồng đối với mỗi bình loại 12kg và giảm khoảng 129.000 đồng/ bình loại 50kg. Đây là tháng thứ hai trong năm nay, giá gas quay đầu giảm mạnh với tổng mức giảm lên đến .000 đồng/bình 12kg.