PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cấp cao Học viện Tài chính cho biết, các loại hàng hóa chính trong nền kinh tế có biến động rất lớn do thời gian gần đây xảy ra căng thẳng giữ Nga và Ukraine. Theo đó, giá dầu và gas đã tăng lên những mức cao kỷ lục. Giá các mặt hàng sắt, thép, đồng, nhôm, titan… đều tăng. Đây là các nguyên, nhiên vật liệu đầu vào sản xuất nên đã có tác động lớn lên nền kinh tế.
Do đó, đà hồi phục của các doanh nghiệp trong nền kinh tế có thể kém đi. Điều này dẫn đến trạng thái nền kinh tế thế giới sụt giảm, hoặc nặng hơn nữa có thể lâm vào khủng hoảng.
“Dù chúng ta hy vọng căng thẳng Nga-Ukraine sẽ sớm hạ nhiệt, nhưng những cấm vận đối với Nga dự báo vẫn chưa dừng lại”, PSG.TS Đinh Trọng Thịnh nói.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, trong một thời gian đủ lớn, các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa chính trong nền kinh tế như doanh nghiệp thép, xăng dầu được hưởng lợi từ việc giá tăng. Nhà đầu tư sẽ tăng cường giải ngân vào cổ phiếu của các doanh nghiệp này, từ đó thúc đẩy giá cổ phiếu đi lên trong một khoảng thời gian cũng khá dài.
Dù căng thẳng Nga-Ukraine có thể kết thúc sớm nhưng cấm vận kinh tế đối với Nga vẫn chưa dừng lại. Giá các loại hàng hóa nguyên vật liệu sẽ xác lập mặt bằng mới, nhưng chắc chắn vẫn cao hơn thời gian vừa qua. Vì thế, trong khoảng thời gian trung và dài hạn thì các doanh nghiệp này vẫn được hưởng lợi từ giá tăng, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhìn nhận.
Thực tế không chỉ ở Việt Nam, trên thế giới, dòng tiền vẫn đang tìm cơ hội ở nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu. Theo Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI), xung đột giữa Nga và Ukraine giúp dòng vốn cổ phiếu chuyển hướng tới các quốc gia có thể mạnh về xuất khẩu nguyên vật liệu thô, đặc biệt là khu vực ASEAN như Indonesia hay Malaysia. Cả Indonesia, Malaysia, Phillipines hay Thái Lan ghi nhận bơm ròng từ các quỹ ETF (quỹ hoán đổi danh mục) trong tháng 2.
Theo khảo sát từ Bank of American Merill Lynch, phần lớn các nhà quản lý quỹ đều cho rằng tăng trưởng kinh tế thế giới đã qua giai đoạn đỉnh và bắt đầu chuyển sang “chu kỳ muộn”. Tuy nhiên chỉ 30% nhà quản lý cho rằng thị trường cổ phiếu sẽ vào trạng thái thị trường gấu (trạng thái thị trường đang suy giảm) trong năm 2022.
Dòng tiền sẽ tiếp tục dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu giá trị và hưởng lợi từ việc tăng lãi suất và môi trường lạm phát cao như ngân hàng, năng lượng thay vì vào nhóm cổ phiếu công nghệ.
SSI nhận định, biến động của giá hàng hóa, bao gồm giá năng lượng do ảnh hưởng của các biện pháp cấm vận và phản ứng của các ngân hàng trung ương là yếu tố quan trọng cần được theo dõi và sẽ ảnh hưởng mạnh tới dòng tiền vào thị trường cổ phiếu.
Thực tế diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam cho thấy, trong bối cảnh thị trường chung “lình xình”, nhiều nhóm cổ phiếu điều chỉnh giảm thì nhóm cổ phiếu nguyên, nhiên vật liệu trở thành điểm sáng nhất thị trường thời gian qua.
Có thể kể đến nhóm dầu khí, chỉ trong vòng 1 tháng (từ 8/2 - 8/3), cổ phiếu OIL tăng 15,4%, PVD tăng gần 23%, PVT tăng gần 25%, PVS tăng hơn 32%, PVB tăng gần 37%, thậm chí PVC tăng tới hơn 107%.
Tiếp đến, nhóm cổ phiếu phân bón cũng tăng rất mạnh. Cụ thể, BFC tăng hơn 25%, NFC tăng hơn 34% DPM tăng hơn 40%, DCM tăng gần 50%... Cổ phiếu ngành thép như: HPG tăng 8,5%, HSG tăng 18,4%, NKG tăng gần 40%.
Bên cạnh đó, thời gian qua, cổ phiếu ngành than liên tục tăng trần. Trong vòng 1 tháng (từ 8/2-8/3), cổ phiếu THT tăng gần 40%, TC6 tăng 57,4%, MDC tăng gần 60%, HLC tăng hơn 62%, NBC tăng 73,5%...
Ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, giá cả hàng hóa trên toàn cầu đang tăng rất mạnh. Giá các hàng hóa cơ bản sau thời gian hạ nhiệt đợt đầu năm thì vừa qua tăng mạnh chỉ trong thời gian ngắn và hiện tại xu hướng này vẫn tiếp diễn.
Rõ ràng các công ty kinh doanh hàng hóa cơ bản đã được hưởng lợi rất lớn. Sau thời gian giá cổ phiếu các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa cơ bản “nguội” đi thì này đã tăng trở lại về mức đỉnh cũ. Với giá hàng hóa cơ bản vẫn tăng như hiện nay thì rất khó để các cổ phiếu này điều chỉnh trở lại, ông Tuấn nhận định.
Theo vị chuyên gia này, việc nhà đầu tư vẫn tiếp tục tin vào việc giá hàng hóa cơ bản tăng cao họ sẽ tiếp tục mua cổ phiếu. Từ tổng thể có thể nhìn nhận, những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các mặt hàng này vẫn hoạt động bình thường, công suất năng lực sản xuất vẫn vậy, nhưng giá tăng mạnh thì lợi nhuận trong quý I và quý II sẽ rất khả qua.
Dù vậy, rất khó dự đoán về đà tăng của nhóm cổ phiếu của các doanh nghiệp này. Ví dụ câu chuyện của giá dầu phụ thuộc vào căng thẳng địa chính trị hiện nay có chấm dứt không, giá dầu quay trở về mức bình thường, hoặc không tăng nữa là khó có thể dự đoán được, Kinh tế trưởng MBS, ông Hoàng Công Tuấn chia sẻ.
Thực tế, trong phát biểu ngày 8/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chính thức công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga trong khi Nga đang triển khai chiến dịch đặc biệt liên quan tới Ukraine.
Trước đó, các hãng tin của Nga dẫn lời Phó Thủ tướng nước này Alexander Novak hôm 7/3 cảnh báo chính sách cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga có thể dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng đối với thị trường toàn cầu, theo đó giá dầu sẽ tăng tới mức không thể dự đoán được, có thể lên đến 300 USD/thùng. Ông cho rằng thị trường châu Âu sẽ không thể nhanh chóng tìm ra nguồn cung thay thế dầu mỏ Nga, có thể mất hơn một năm và người tiêu dùng châu Âu sẽ phải chịu mức giá đắt đỏ hơn.
Trong khi đó, giới phân tích cho rằng quyết định trên của Mỹ sẽ làm gia tăng tác động của chiến dịch trên đối với kinh tế toàn cầu sau khi thế giới đã phải trải qua việc thiếu hụt nguồn cung và giá cả gia tăng do tác động của đại dịch COVID-19. Giá xăng tại Mỹ đã tăng lên mức cao kỷ lục, đẩy lạm phát lên mức cao nhất trong vòng 40 năm qua.
Nga là nước xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới và cho đến nay việc xuất khẩu năng lượng của nước này vẫn chưa bị áp đặt trừng phạt. Mặc dù Mỹ không phải là khách hàng mua dầu hàng đầu của Nga, song các đồng minh của nước này dường như phải chịu sức ép đưa nền kinh tế thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga.