Những nội dung chính tại hội nghị năng lượng hàng đầu thế giới

Các bộ trưởng và quản lý cấp cao hàng đầu lĩnh vực dầu mỏ toàn cầu sẽ tới Houston, Mỹ trong tuần này để tham dự CERAWeek - một trong những hội nghị năng lượng lớn nhất thế giới.

Chú thích ảnh
Một nhà máy lọc dầu ở Texas, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Hội nghị năm nay diễn ra khi nhu cầu về dầu khí tiếp tục tăng cùng với năng lượng Mặt Trời, gió và nhiên liệu sinh học. Thị trường năng lượng đã tạo điều kiện để sắp xếp lại các dòng chảy năng lượng toàn cầu, khi khách hàng tăng cường chuyển sang các nhà cung cấp năng lượng trong khu vực hoặc chấp nhận một chuỗi cung ứng được vận tải bằng đường biển dài hơn.

Hơn 7.200 người dự kiến tham gia sự kiện và lắng nghe triển vọng mới nhất về thị trường năng lượng từ “người khổng lồ” như BP, Chevron, Exxon Mobil, Saudi Aramco, Sinopec và Petronas.

Không giống như các hội nghị trước đây, nơi các cuộc thảo luận bị chi phối bởi cuộc chiến giành thị phần giữa các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), vấn đề an ninh năng lượng được chú ý hàng đầu tại sự kiện năm nay.

Sự phát triển của lĩnh vực khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) toàn cầu cùng các chính sách khí hậu của Mỹ sẽ là chủ đề chính trong các phiên họp riêng biệt của các nhà xuất khẩu lớn gồm Cheniere Energy và Venture Global LNG. Tại đây, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm và Cố vấn Nhà Trắng John Podesta sẽ nhấn mạnh các mục tiêu về khí hậu của chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Đáng chú ý, các Bộ trưởng dầu mỏ hàng đầu của Saudi Arabia (A-rập Xê-út), Kuwait (Cô-oét) và Iraq (I-rắc) sẽ không có mặt. Các quan chức Nga cũng dự kiến sẽ không tham dự sau khi đã vắng mặt vào năm ngoái.

OPEC thiếu hiện diện tại CERAWeek năm nay giữa bối cảnh giá dầu toàn cầu dao động quanh mức 75-85 USD/thùng. Con số này đủ để các nước OPEC đảm bảo nguồn doanh thu bất chấp chiến tranh ở Đông Âu và bất ổn ở Trung Đông, đồng thời không ảnh hưởng đến đà tăng trưởng kinh tế hay đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang xe điện và nhiên liệu tái tạo.

Trước đó, OPEC đã dự báo nhu cầu dầu và tăng trưởng kinh tế tương đối mạnh cho năm 2024 - một quan điểm khuyến khích nhiều hoạt động khai thác và các cuộc mua bán-sáp nhập trong ngành dầu khí hơn. Năm ngoái, các hợp đồng trong lĩnh vực năng lượng đạt tổng trị giá hơn 250 tỷ USD tại Mỹ đã làm dấy lên lo ngại về tình trạng tập trung hóa của ngành, kéo theo việc giới chức chậm trễ phê duyệt những thương vụ đó.

Ngoài ra, những lo ngại về khí hậu được phản ánh trong các phiên hội nghị về công nghệ cô lập carbon và nhiên liệu hydro. Đây vốn đã trở thành hai trong số những công nghệ ưa thích của ngành dầu mỏ để giải quyết tình trạng nóng lên toàn cầu. Vai trò của Trí tuệ nhân tạo (AI) trong sản xuất năng lượng và kiểm soát lượng khí thải carbon sẽ là những phiên thảo luận nổi bật trong năm nay.

Một chủ đề thường xuyên tại hội nghị CERAWeek trong thập kỷ qua là những thăng trầm của dầu đá phiến Mỹ, vốn đã cách mạng hóa thị trường năng lượng và đưa Mỹ trở thành nước sản xuất dầu thô số 1 thế giới cũng là nước xuất khẩu hàng đầu.

Năm nay, các thương vụ của Chevron, ConocoPhillips và Exxon Mobil sẽ biến bộ ba này trở thành những nhà sản xuất lớn nhất trong lĩnh vực dầu đá phiến của Mỹ. Sự thay đổi đó được kỳ vọng sẽ chế ngự được những yếu tố bất ổn khó lường trong hoạt động sản xuất dầu toàn cầu. Các khoản đầu tư và sản xuất của những “ông lớn” này cũng có thể ổn định chu kỳ bùng nổ rồi suy thoái của dầu đá phiến.

H.Thủy/TTXVN (Theo Reuters)
IEA nâng dự báo nhu cầu dầu mỏ
IEA nâng dự báo nhu cầu dầu mỏ

Ngày 14/3, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu cầu dầu mỏ trên toàn cầu sẽ tăng nhiều hơn dự kiến do triển vọng kinh tế Mỹ tươi sáng hơn và nhu cầu nhiên liệu tăng do các tàu chở hàng phải đi đường vòng tránh qua Biển Đỏ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN