“Trong tổng số thu NSNN năm nay, nguồn thu từ dầu thô phải đạt là 23.200 tỷ đồng; thu nội địa là 1.093.500 tỷ đồng. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn trong bối cảnh trên thế giới tình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, nền kinh tế được dự báo tăng trưởng thấp”, ông Cao Anh cho hay.
Để đạt kế hoạch này, Tổng cục Thuế sẽ theo dõi sát sao diễn biến tình hình sức khỏe doanh nghiệp để tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ đã triển khai năm 2020, tham mưu cho Bộ Tài chính trình Chính phủ tiếp tục ban hành các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người nộp thuế (NNT) năm 2021; tiếp tục hoàn thiện các quy định của Luật Quản lý thuế số /2019/QH14.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, năm 2021, ngành Thuế tiếp tục cải cách quản lý thuế, đơn giản hóa, nâng cấp các thủ tục hành chính từ cấp độ 2 lên cấp độ 3 và 4, đẩy mạnh kết nối và tích hợp các thủ tục, dịch vụ công về thuế với Cổng thông tin điện tử Quốc gia; đẩy mạnh hiện đại hóa công tác quản lý thuế từ khâu đăng ký, kê khai, nộp, hoàn thuế, thanh tra, kiểm tra thuế, quản lý, thu hồi nợ thuế.
“Tổng cục tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu, đẩy mạnh thu hồi nợ đọng thuế, trong đó sẽ đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, hỗ trợ NNT; đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát kê khai, nộp thuế; quản lý chặt chẽ công tác hoàn thuế, đảm bảo hoàn thuế đúng đối tượng; kiểm tra tập trung vào những doanh nghiệp thuộc ngành nghề, lĩnh vực có rủi ro cao; triển khai chống thất thu đối với khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh và hộ cá nhân kinh doanh”, ông Cao Anh Tuấn nhấn mạnh.
Ngành Thuế tiếp tục giao chỉ tiêu thu nợ thuế năm 2021 đến từng cục thuế; đồng thời giám sát chặt các cục thuế áp dụng biện pháp cưỡng chế nợ, tiến độ thu nợ hàng tháng, công khai thông tin nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng; đôn đốc nhắc nhở và thông báo bổ sung những trường hợp nợ thuế mới phát sinh cho các cục thuế để tổ chức đôn đốc thu kịp thời các khoản nợ đọng thuế vào ngân sách.