Chứng khoán Hàn Quốc mở cửa thấp hơn theo sau sự sụt giảm của Phố Wall khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tuần trước cho biết rằng họ sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới để kiềm chế lạm phát. Chỉ số Kospi tại Seoul giảm 30,8 điểm (tương đương 1,24%) xuống 2.449,60 điểm trong 15 phút giao dịch đầu tiên.
Tại Trung Quốc, chứng khoán Hong Kong mở cửa với mức giảm lớn sau khi chứng khoán Phố Wall lao dốc do báo cáo việc làm tháng 1/2023 của Mỹ vượt dự báo - làm dấy lên lo ngại mới về việc Fed tiếp tục tăng lãi suất. Chỉ số Hang Seng giảm 1,44% (311,30 điểm) xuống 21.349,17 điểm.
Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải cũng mất 0,57% (18,71 điểm) xuống 3.244,70 điểm.
Chỉ số chứng khoán MSCI của khu vực châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) cũng giảm 1,5%.
Điểm sáng trong phiên này là chứng khoán Nhật Bản, với các nhà đầu tư hy vọng rằng ngân hàng trung ương nước này sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng. Chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo tăng 1,08% (296,80 điểm) lên 27.806,26 điểm vào đầu phiên giao dịch,
Trên thị trường tiền tệ, đồng USD đã nới rộng đà tăng so với đồng yen và đưa tỷ giá hối đoái của cặp này lên mức cao nhất trong ba tuần là 132,60 yen đổi 1 USD. Mức tăng này diễn ra trong bối cảnh có đồn đoán rằng Chính phủ Nhật Bản đã đề nghị Phó Thống đốc hiện thời Masayoshi Amamiya giữ chức Thống đốc của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ).
Ông Amamiya được cho là tham gia phát triển, duy trì các chính sách tiền tệ siêu lỏng hiện thời của BoJ. Các thị trường cũng coi ông là lựa chọn ôn hòa hơn một số ứng cử viên khác.
Mức tăng ban đầu trên sau đó đã giảm xuống còn 132,29 yen đổi 1 USD, nhưng vẫn giúp chỉ số đồng USD (được coi là thước đo "sức khỏe" của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác) duy trì ở mức 103,150 yen/USD sau khi tăng 1,2% vào thứ Sáu tuần trước.
Tại thị trường trong nước, vào lúc 10 giờ 45 phút sáng 6/2, chỉ số VN-Index giảm 0,16 điểm (0,01%) xuống 1.076,99 điểm. Chỉ số HNX-Index giảm 0,07 điểm (0,03%) xuống 215,21 điểm.