Phiên này, giá dầu Brent giao kỳ hạn tháng 10/2023 tăng 1,02 USD (tương đương 1,2%) lên 85,43 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 9/2023 hết hạn vào ngày thứ Hai cũng tăng 0,7% lên 85,56 USD/thùng.
Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tăng 1,22 USD (1,5%) lên 81,80 USD/thùng.
Cả dầu Brent và dầu WTI phiên này đều đạt mức cao nhất kể từ cuối tháng Tư trong phiên thứ ba liên tiếp, sau khi đã kép dài chuỗi tăng giá sang tuần thứ năm liên tiếp.
Ông Edward Moya, nhà phân tích của công ty môi giới tài chính OANDA, đánh giá thị trường dầu thô kết thúc tháng Bảy với vị thế khá vững chắc. Triển vọng nhu cầu vẫn cao và niềm tin rằng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (nhóm OPEC+) sẽ đảm bảo thắt chặt nguồn cung trên thị trường.
Một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters cho thấy Saudi Arabia dự kiến sẽ gia hạn kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện 1 triệu thùng mỗi ngày sang tháng Chín. Sản lượng của Saudi Arabia đã giảm 860.000 thùng/ngày trong tháng Bảy, trong khi tổng sản lượng dầu của OPEC giảm 840.000 thùng/ngày.
Giới quan sát cũng chỉ ra rằng dự trữ dầu ở nhiều nơi cũng đang bắt đầu giảm. Đặc biệt là ở Mỹ, nơi chính phủ đã bắt đầu bổ sung cho kho dự trữ dầu mỏ chiến lược. Ước tính trung bình của năm nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của Reuters là lượng dầu dự trữ tại Mỹ đã giảm khoảng 900.000 thùng trong tuần tính đến ngày 28/7.
Goldman Sachs ước tính rằng nhu cầu dầu toàn cầu đã tăng lên mức kỷ lục 102,8 triệu thùng/ngày trong tháng Bảy. Ngân hàng này cũng điều chỉnh dự báo nhu cầu năng lượng năm 2023 theo hướng tăng thêm khoảng 550.000 thùng/ngày, dựa trên ước tính tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ ở Ấn Độ và Mỹ sẽ giúp bù đắp cho sự sụt giảm tiêu thụ của Trung Quốc.