Khoảng 8 giờ 10 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 48 xu Mỹ (0,5%) lên 93,75 USD/thùng sau khi giảm 3 USD/thùng hôm 22/9. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng phiên thứ hai liên tiếp, tăng 50 xu Mỹ (0,6%) lên 90,53 USD/thùng.
Tony Sycamore, nhà phân tích thị trường của IG, cho biết, giá dầu thô đã khởi đầu tuần mới thuận lợi khi thị trường tiếp tục xem xét lệnh cấm xuất khẩu dầu diesel và xăng trong một thị trường vốn đang thắt chặt, lấn át thông điệp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) rằng lãi suất sẽ ở mức cao hơn trong một thời gian dài hơn.
Hai hợp đồng dầu chủ chốt này đã kết thúc chuỗi tăng giá kéo dài ba tuần trong tuần trước sau khi lập trường của Fed làm rung chuyển các thị trường tài chính toàn cầu và làm dấy lên lo ngại về nhu cầu dầu mỏ.
Giá dầu đã tăng hơn 10% trong ba tuần trước đó do dự báo về tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu thô trong quý IV/2023 sau khi Saudi Arabia và Nga gia hạn cắt giảm nguồn cung bổ sung đến cuối năm.
Tuần trước, Nga đã tạm thời cấm xuất khẩu xăng và dầu dieselnhằm ổn định thị trường nội địa, làm dấy lên lo ngại về nguồn cung sản phẩm thấp, đặc biệt là dầu sưởi khi Bắc Bán cầu bước vào mùa Đông.
Báo cáo hàng tuần từ Baker Hughes cho thấy tại Mỹ, số lượng giàn khoan dầu đang hoạt động đã giảm 8 giàn xuống còn 507 giàn trong tuần trước, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2022.
Dự báo về dữ liệu kinh tế tốt hơn trong tuần này từ Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, cũng thúc đẩy tâm lý thị trường. Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo rằng giá dầu phải đối mặt với ngưỡng kháng cự kỹ thuật ghi nhận được trong tuần trước.
Các nhà phân tích của Goldman Sachs cho biết lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng trở lại trong tháng 9/2023, với chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) được dự báo sẽ tăng lên trên 50 lần đầu tiên kể từ tháng 3/2023.
Trong một dấu hiệu tích cực, nhu cầu dầu của Trung Quốc đã tăng 300.000 thùng/ngày lên 16,3 triệu thùng/ngày trong tuần trước, một phần do nhu cầu nhiên liệu máy bay cho các chuyến bay quốc tế phục hồi dần.