Toàn cảnh khu công nghiệp khai thác dầu và khí hóa lỏng Ras Laffan ở cách Doha (Qatar) khoảng 80km về phía bắc ngày 6/2. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo cam kết ban đầu, thỏa thuận cắt giảm sản lượng giữa OPEC và các nước sản xuất dầu chủ chốt được thực thi trong sáu tháng bắt đầu từ đầu năm 2017, nhưng được gia hạn đến cuối tháng 3/2018. Theo một số quan chức, thỏa thuận hướng đến mục tiêu chính là giảm lượng dầu dự trữ tại các nước công nghiệp hóa thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) xuống mức trung bình của 5 năm.
Việc quyết định thời điểm và cách thức rút khỏi thỏa thuận hiện nay hay liệu có thay thế thỏa thuận này bằng một thỏa thuận khác về sản lượng dầu là một thách thức lớn đối với các nhà hoạch định chính sách. Ưu tiên của Saudi Arabia, “ông lớn” trong OPEC, thường luân chuyển giữa phương cách hỗ trợ giá dầu và bảo vệ thị phần, nhằm đạt được sự kết hợp hợp lý nào đó giữa giá và thị phần.
Số liệu cho thấy lượng dầu tiêu thụ trên toàn cầu trong năm 2016 đạt trên 96 triệu thùng dầu/ngày, tăng gần 5 triệu thùng dầu/ngày so với mức năm 2012. Con số này được dự báo tăng thêm 1,5 triệu thùng dầu/ngày trong năm nay và năm 2018, đồng nghĩa với việc nhu cầu từ thị trường trong năm tới dự kiến tăng gần 10 triệu thùng dầu/ngày so với năm 2012.