Phải nỗ lực cao, GDP năm 2021 của Việt Nam mới đạt 6,46%

Theo Thạc sĩ Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban chính sách kinh tế vĩ mô (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM), trong 2 kịch bản dự báo tăng trưởng kinh tế (GDP) Việt Nam năm 2021 vừa được CIEM công bố là 5,98% và 6,46%, kịch bản 1 được xem là có nhiều khả năng xảy ra hơn. Nếu muốn đạt mức cao hơn, Việt Nam phải nỗ lực lớn.

Chú thích ảnh
Nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh để hút vốn đầu tư nước ngoài. Ảnh: Danh Lam/TTXVN. 

Cụ thể: Với kịch bản 1, CIEM dự báo GDP năm 2021 có thể tăng là 5,98%; kim ngạch xuất khẩu tăng 4,23%; thặng dư thương mại 5,49 tỷ USD; lạm phát bình quân năm tăng 3,51%. Ở kịch bản 2, GDP năm 2021 có thể tăng 6,46%; kim ngạch xuất khẩu tăng 5,06%; thặng dư thương mại ở mức 7,24 tỷ USD; lạm phát bình quân năm tăng 3,78%.

“Các kịch bản trên được xây dựng dựa trên đánh giá các yếu tố tác động chính gồm: Kinh tế thế giới còn bất định, rủi ro và dịch COVID-19 và các biến thể diễn biến phức tạp; nhiều nền kinh tế thực hiện các gói hỗ trợ quy mô lớn, trong khi thiếu điều phối ở cấp độ toàn cầu có thể gây ra những rủi ro không nhỏ đối với thị trường tài chính thế giới và tình trạng nợ toàn cầu; cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số tiếp tục chuyển biến nhanh; khả năng duy trì các cải cách thực chất đối với môi trường đầu tư - kinh doanh sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, quyết định mở rộng đầu tư của nhiều doanh nghiệp nước ngoài; nhu cầu tiêu dùng trong nước có thể gia tăng nhanh”, ông Nguyễn Anh Dương cho biết.

Theo CIEM, dù kỳ vọng nhiều vào tác động tích cực của Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam và Liên minh châu Âu - EU (EVFTA), Việt Nam có thể phải đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại, điều tra chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ… không chỉ ở thị trường Mỹ.

Theo chuyên gia Nguyễn Anh Dương, kinh tế Việt Nam sẽ thực sự bứt tốc kể từ nửa cuối năm 2021. Công tác điều hành của Chính phủ vẫn giữ được dư địa chính sách để ứng phó với các kịch bản trong tương lai. “Tôi nghĩ, rất nhiều bộ, ngành của Việt Nam đã rút được kinh nghiệm nên lần này, Việt Nam đã có cân nhắc hơn trong các gói hỗ trợ. Chúng ta cũng đã tính rất nhiều kịch bản. Có lẽ phải mất một thời gian nữa mới có thể tìm được lối ra cho nền kinh tế sau đại dịch nên từ giờ đến lúc đó, chúng ta chỉ hỗ trợ ‘chừng mực’ để doanh nghiệp sống sót được, ông Nguyễn Anh Dương cho biết.

Nhóm nghiên cứu của CIEM cho biết: Nhờ công tác điều hành của Chính phủ giữ được tâm lý bình tĩnh, có được sự tham vấn và đồng thuận cao của cộng đồng doanh nghiệp và người dân nên kinh tế Việt Nam đã vững vàng vượt khó trong năm 2020; cải cách môi trường kinh doanh vẫn được tiếp nối từ những giai đoạn trước, không bị ngắt quãng ngay cả khi Chính phủ ưu tiên phòng chống dịch, tạo tiền đề gia tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế.

“Năm 2021, Việt Nam tiếp tục theo dõi diễn biến dịch và có biện pháp phòng chống phù hợp; cải cách kinh tế hậu COVID-19; tái cơ cấu kinh tế, hoàn thiện chính sách công nghiệp và thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài FDI, trong đó có bài học giải ngân đầu tư công cũng như cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước cần được thúc đẩy”, Trưởng Ban chính sách kinh tế vĩ mô - CIEM chia sẻ. 

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, TS Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng CIEM cho biết: Năm 2021, Việt Nam tiếp tục kiềm chế lạm phát hậu COVID-19, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô để tạo điều kiện cho phục hồi kinh tế vững chắc hơn; đồng thời hỗ trợ cho các nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia; thúc đẩy giải ngân đầu tư công, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động đầu tư của khu vực doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. 

“Việt Nam tiếp tục thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, trong đó có các Hiệp định tương đối mới và ‘tiêu chuẩn’ cao như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và EVFTA; hỗ trợ hợp lý cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân để trụ vững qua những thời điểm nếu dịch bùng phát trở lại; nhanh chóng phát triển các mô hình kinh tế mới như kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm... để tạo thêm sức nặng cho thị trường trong nước”, TS Trần Hồng Minh cho biết.

Theo bà Trần Hồng Minh, đối với đầu tư công, Chính phủ cần có những giải pháp hữu hiệu hơn trong việc lựa chọn, phân bổ các dự án đầu tư công, tránh cào bằng; kiên quyết thu hồi, chuyển vốn các dự án chậm triển khai; xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu khi tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư chậm do yếu tố chủ quan được xem là không hoàn thành nhiệm vụ.

Nói về cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung trong năm 2021, TS Trần Thị Hồng Minh nhắc đến từ khóa “chuyển đổi số”. Cơ hội lớn nhất cho doanh nghiệp năm 2021 là tận dụng thời cơ chuyển đổi số để có thể tồn tại và phát triển bền vững. Việt Nam đã tập trung vào đổi mới sáng tạo và coi đổi mới sáng tạo là một nền tảng, động lực mới của nền kinh tế.

“Bên cạnh việc khai trương Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng có kế hoạch hỗ trợ 100.000 doanh nghiệp chuyển đổi số trong thời gian tới, để các doanh nghiệp Việt Nam trụ vững trong bối cảnh bất định hậu COVID-19”, TS Trần Hồng Minh cho biết.

 

Minh Phương/Báo Tin tức
Kịch bản nào cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021?
Kịch bản nào cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021?

Năm 2021, kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ đạt tăng trưởng cao hơn năm 2020 nhờ nhiều yếu tố cả khách quan và chủ quan, mặc dù vậy vẫn còn nhiều yếu tố khó lường tác động tới tăng trưởng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN