Trong báo cáo Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết tiêu thụ nhiên liệu lỏng toàn cầu dự kiến sẽ đạt 102,2 triệu thùng/ngày trong năm 2024, nhờ tốc độ tăng trưởng tiêu thụ tại các quốc gia như Ấn Độ và Trung Quốc.
Chốt phiên này, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn tăng 45 xu Mỹ (0,6%) lên 80,10 USD/thùng, còn dầu ngọt nhẹ Mỹ tăng 49 xu Mỹ (0,6%) lên 75,12 USD/thùng.
Thị trường đang chờ đợi thông tin rõ ràng hơn về kế hoạch tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell tránh bình luận về chính sách tiền tệ và nền kinh tế tại hội nghị ngân hàng trung ương ở Thụy Điển. Các nhà giao dịch cũng ngóng đợi số liệu về giá tiêu dùng tại Mỹ, dự kiến công bố ngày 12/1, để đánh giá các tín hiệu về triển vọng ngắn hạn.
Chuyên gia Tamas Varga, của công ty môi giới PVM cho biết số liệu lạm phát có thể dễ dàng làm rõ hướng đi của thị trường tài chính và dầu mỏ trong nhiều tuần tới. Theo chuyên gia này, đồng USD sẽ giảm nếu lạm phát thấp hơn kỳ vọng hoặc thấp hơn mức tháng 11/2022.
Đồng bạc xanh yếu hơn có thể thúc đẩy nhu cầu dầu mỏ, vì hàng hóa định giá bằng đồng bạc xanh trở nên rẻ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Trong phiên 9/1, cả hai loại dầu chủ chốt đều tăng 1% sau khi Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu lớn nhất và là quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới, mở cửa biên giới lần đầu tiên sau ba năm.
Trung Quốc cũng nâng tổng hạn ngạch nhập khẩu dầu trong năm nay thêm 20% so với năm ngoái.
Dennis Kissler, quan chức cấp cao phụ trách giao dịch của tổ chức tài chính BOK Financial cho rằng giá dầu phục hồi, khi Trung Quốc dỡ bỏ hầu hết các hạn chế đối với du lịch và thương mại quốc tế.
Nhưng các nhà phân tích lưu ý nhu cầu của Trung Quốc phục hồi có thể chỉ hỗ trợ giá dầu một cách hạn chế giữa bối cảnh kinh tế toàn cầu chịu sức ép suy giảm.
Ngân hàng Barclays nhận định giá dầu Brent có thể giảm 15-25 USD/thùng so với dự báo 98 USD/thùng cho năm 2023 nếu sự sụt giảm trong hoạt động sản xuất toàn cầu trở nên tồi tệ hơn giai đoạn năm 2009.